1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thụy Điển gây tranh cãi về chiến lược chống dịch Covid-19 "khác người"

(Dân trí) - Một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về chiến lược khác biệt của Thụy Điển khi cả châu Âu đang “gồng mình” để đối phó với dịch Covid-19.

 
Thụy Điển gây tranh cãi về chiến lược chống dịch Covid-19 khác người - 1

Rất ít người đeo khẩu trang khi ngắm hoa tại công viên ở Stockholm. (Ảnh: AFP)

Là kiệt tác kiến trúc nổi bật nối thành phố Malmo của Thụy Điển và thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, cầu Oresund thường có khoảng 70.000 người qua lại mỗi ngày. Tuy nhiên bây giờ, cây cầu đã trở nên vắng vẻ khác thường.

Đan Mạch đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Trong khi bên phía Thụy Điển, cầu Oresund vẫn mở, mặc dù không còn nhiều người qua lại như trước đây.

Cây bút Derek Robertson của Guardian đã cảm nhận thấy sự bình thản “siêu thực” của Thụy Điển ở thời điểm cả châu Âu đang cấp tập chạy đua chống dịch.

“Làm việc từ một quán cafe địa phương, tôi kinh hãi khi nhìn thấy trên Twitter những clip về những thành phố không một bóng người hay những xe tải quân sự chuyển thi thể người chết tại Italia, còn xung quanh tôi bây giờ vẫn là những nhóm thiếu niên tán gẫu, những bà mẹ có con nhỏ và những người làm công việc tự do”, Derek viết khi đang ở Malmo.

Theo quan sát của Derek, ở ngoài trời, các cặp đôi vẫn tay trong tay đi tản bộ dưới ánh nắng mùa xuân, quán cafe vẫn hoạt động nhộn nhịp. Trên bờ biển và công viên tại Sibbarp (Malmo), người dân vẫn tổ chức dã ngoại và tiệc nướng vào cuối tuần. Khu trượt băng và sân chơi vẫn chật cứng người. Không ai đeo khẩu trang.

Thụy Điển gây tranh cãi về chiến lược chống dịch Covid-19 khác người - 2

Nhiều người vẫn tập trung tại một quán bar ở Stockholm ngày 25/3. (Ảnh: AP)

Đại dịch Covid-19 toàn cầu đã đóng cửa các nền kinh tế châu Âu và buộc hàng triệu người trên toàn châu lục phải ở trong nhà.

Còn ở Thụy Điển, các trường học, phòng tập gym và các cửa hàng, thậm chí cả biên giới vẫn mở. Các quán bar và nhà hàng vẫn tiếp tục phục vụ khách. Các chuyến tàu và xe buýt vẫn vận chuyển hành khách đi lại trên cả nước. Thậm chí nếu muốn, người dân vẫn có thể tới rạp chiếu phim.

Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mà người Thụy Điển được khuyến cáo thực hiện, như không tụ tập quá 50 người (trước đó là 500 người), tránh tiếp xúc xã hội nếu ngoài 70 tuổi hoặc đang bị ốm, cố gắng làm việc tại nhà, chỉ phục vụ tại bàn ở các quan bar và nhà hàng, dường như đã xua tan nỗi lo sợ của công chúng nước này rằng, những hình ảnh tại các bệnh viện ở Italia và Tây Ban Nha có thể được tái diễn tại Thụy Điển.

RT dẫn nhận định của nhà báo Guy Birchall cho rằng Thụy Điển đang theo đuổi cách tiếp cận tự do hơn nhiều so với các nước khác trong cuộc chiến chống virus corona. Người dân Thụy Điển vẫn tự do hoạt động như không có sự hiện diện của dịch bệnh.

Chiến lược của Thụy Điển vẫn cho phép các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở cửa trong giai đoạn dịch bệnh. Động thái này được cho là nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và cho phép Thụy Điển dễ dàng hồi phục sau khi dịch bệnh qua đi. Người dân Thụy Điển đồng tình với cách tiếp cận này, cho rằng đây là cách làm phù hợp hơn so với các biện pháp kiểm soát cứng rắn như các nước khác đang triển khai.

Quan điểm trái chiều

Thụy Điển gây tranh cãi về chiến lược chống dịch Covid-19 khác người - 3

Giường được chuẩn bị tại bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm triển lãm Stockholmsmassan ở Stockholm. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven kêu gọi người dân hành xử “như những người trưởng thành”, và không lan truyền “sự hoảng loạn hay các tin đồn”.

Tuy vậy, nhiều người trong giới khoa học và y tế tại Thụy Điển bắt đầu cảm thấy hoang mang. Tuần trước, đơn thỉnh cầu với chữ ký của hơn 2.000 bác sĩ, nhà khoa học và giáo sư, trong đó có chủ tịch Quỹ Nobel Giáo sư Carl-Henrik Heldin, đã kêu gọi chính phủ Thụy Điển đưa ra các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.

“Chúng ta vẫn chưa xét nghiệm đủ, chưa theo dõi đủ, chưa cách ly đủ, chúng ta đang buông lỏng virus”, Giáo sư Cecilia Soderberg-Naucler, nhà nghiên cứu về miễn dịch virus tại Viện Karolinska, nhận định.

Lịch sử 300 năm của nền hành chính công minh bạch và hiệu quả, cùng với việc đặt niềm tin rất lớn vào các chuyên gia và quan chức chính phủ, khiến người dân Thụy Điển có xu hướng tin vào những gì họ được chỉ đạo.

“Tôi tin rằng các bác sĩ, những người đang làm việc với chính phủ, biết họ đang làm gì. Và tôi cho rằng chúng tôi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất có thể. “Sự quá khích” của truyền thông còn nguy hiểm hơn nhiều so với virus”, Robert Andersson, 50 tuổi, người quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Sodermalm, Stockholm, nói.

Simon Strand, 30 tuổi, một tư vấn viên kinh doanh tại Ostermalm, Stockholm, cũng đồng tình với quan điểm trên. Anh cho rằng không có lý do gì để tin rằng chính quyền đang phớt lờ vấn đề dịch bệnh.

Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Thụy Điển và là người dẫn đầu chiến dịch ứng phó khủng hoảng dịch bệnh của chính phủ Thụy Điển, ủng hộ chiến lược giảm thiểu dịch bệnh: cho phép virus lây lan chậm nhưng không làm quá tải hệ thống y tế, và không cần các biện pháp giới hạn khắc nghiệt.

Thụy Điển gây tranh cãi về chiến lược chống dịch Covid-19 khác người - 4

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại châu Âu, Trung Đông. (Đồ họa: Guardian)

Theo thống kê của trang web Worldometers, tính đến ngày 30/3, Thụy Điển đã ghi nhận 146 ca tử vong và 4.028 ca mắc Covid-19. So với một số ổ dịch lớn tại châu Âu như Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, số người chết và nhiễm bệnh tại Thụy Điển vẫn ở mức thấp.

“Đúng là có sự tăng lên, nhưng cho đến nay vẫn không đến mức đáng lo ngại. Tất nhiên, chúng ta đang bước vào một giai đoạn của dịch bệnh mà sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm nữa trong vài tuần tới, nhiều người sẽ được đưa vào khu vực chăm sóc đặc biệt, nhưng tình trạng đó cũng giống như mọi quốc gia khác, không có nơi nào có thể giảm bớt sự lây lan của virus một cách đáng kể”, ông Tegnell nhận định.

Những nước láng giềng gần nhất với Thụy Điển như Đan Mạch, Phần Lan hay Na Uy đều đã chấp nhận chiến lược phong tỏa, đóng cửa các trường học, công sở và biên giới từ nhiều tuần trước đây.

“Vấn đề xảy ra với cách tiếp cận này là khiến cho cả hệ thống bị kiệt sức. Không thể duy trì lệnh phong tỏa trong nhiều tháng được, đó là điều không thể”, ông Tegnell nói thêm.

Giáo sư Cecilia Soderberg-Naucler phản bác quan điểm trên. Ông cảnh báo Thụy Điển có thể sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng khu chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân Covid-19, do vậy nếu để đến lúc đó mới hành động thì quá muộn và tình hình dịch bệnh sẽ trở nên nguy hiểm.

Thành Đạt

Tổng hợp