1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thượng viện Mỹ phê chuẩn Bộ trưởng Giáo dục sau phiếu bầu của Phó Tổng thống

(Dân trí) - Phó Tổng thống Mike Pence ngày 7/2 đã phải can thiệp để phá vỡ thế bế tắc chưa từng có trong lịch sử Mỹ khi Thượng viện bỏ phiếu để thông qua đề cử của Tổng thống Donald Trump đối với vị trí Bộ trưởng Giáo dục.

Tân Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos (trái) tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mike Pence (phải) và chồng Dick DeVos tại Nhà Trắng ngày 7/2 (Ảnh: Reuters)
Tân Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos (trái) tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mike Pence (phải) và chồng Dick DeVos tại Nhà Trắng ngày 7/2 (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Thượng viện Mỹ ngày 7/2 đã chính thức phê chuẩn bà Betsy DeVos làm tân Bộ trưởng Giáo dục trong chính quyền mới của Washington theo đề cử của Tổng thống Donald Trump sau cuộc bỏ phiếu “nghẹt thở” với sự can thiệp chưa từng có tiền lệ của Phó Tổng thống Mike Pence.

Trước đó, 46 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, 2 nghị sĩ của đảng Cộng hòa và 2 nghị sĩ độc lập đã bỏ phiếu phản đối bà Betsy DeVos vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Điều này dẫn đến tình trạng 50 - 50 ở Thượng viện khi tỷ lệ ủng hộ và phản đối nữ tỷ phú ngang bằng nhau.

Các quan chức Thượng viện nói rằng đây là trường hợp chưa từng xảy ra trong một cuộc bỏ phiếu thông qua một vị trí trong nội các của tổng thống. Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện đã ra sức gây sức ép để lôi kéo thêm ít nhất một phiếu phản đối từ một nghị sĩ đảng Cộng hòa để phá vỡ thế cân bằng, từ đó dập tắt cơ hội của bà DeVos nhưng họ đã không thành công.

Theo quy định của Hiến pháp, phó Tổng thống đồng thời giữ vai trò là chủ tịch Thượng viện và có quyền bỏ phiếu khi tỷ lệ ủng hộ - phản đối ngang bằng nhau trong một phiên phê chuẩn tại Thượng viện. Do vậy, trong trường hợp của bà DeVos, Phó Tổng thống Mike Pence đã phải vào cuộc để phá vỡ thế bế tắc và ông quyết định bỏ phiếu ủng hộ nữ tỷ phú đến từ Michigan.

Tân Bộ trưởng Giáo dục DeVos là người ủng hộ tích cực cho loại hình trường tư thục, vốn hoạt động độc lập so với các trường công lập và thường do các tập đoàn điều hành. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ lo ngại rằng nếu trở thành người đứng đầu cơ quan giáo dục, bà DeVos sẽ đẩy mạnh sự ra đời của trường tư, từ đó giảm thiểu vai trò của các trường công trong khi trường công mới là nền tảng quan trọng trong hệ thống giáo dục Mỹ. Ngoài ra, bà DeVos cũng bị phản đối vì nhiều ý kiến cho rằng bà không có kinh nghiệm và không đủ tiêu chuẩn để trở thành Bộ trưởng Giáo dục.

Thành Đạt

Tổng hợp