1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Australia trên nhiều lĩnh vực

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Australia Anthony Albanese sắp thăm Việt Nam nhân dịp 2 nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Australia trên nhiều lĩnh vực - 1

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (Ảnh: Chính phủ Australia).

Bộ Ngoại giao ngày 30/5 thông báo, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 4/6.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Australia đang tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 - 26/2/2023).

Trải qua một nửa thế kỷ, 2 nước đã nâng cấp lên quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 3/2018. Trong những năm qua, hai bên liên tục có các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao nhằm duy trì, phát triển quan hệ song phương tốt đẹp giữa 2 bên.

Hỗ trợ tích cực Việt Nam phòng chống Covid-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao theo hình thức trực tuyến. Australia là một trong những nước rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tháng 6/2020, Australia đã trao 10,5 triệu AUD cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Tháng 3/2021, Australia công bố gói hỗ trợ toàn diện trị giá 60 triệu AUD cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch gồm viện trợ vaccine và hỗ trợ công tác triển khai tiêm chủng thông qua UNICEF. Riêng về vaccine, Australia đã tài trợ Việt Nam 26,4 triệu liều (gồm 12 triệu liều cho người lớn và 14,4 triệu liều cho trẻ em), trở thành nhà tài trợ vaccine lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng trao tặng Australia số vật tư y tế (khẩu trang) trị giá 50.000 USD.

Trong đợt bão lũ ở miền Trung (11/2020), Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Australia đã có thư thăm hỏi, ủng hộ khẩn cấp 100.000 AUD và sau đó bổ sung 2 triệu AUD để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ. Trong đợt lũ lịch sử của Australia (3/2022), Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng đã có điện thăm hỏi.

Hai nước hiện duy trì linh hoạt trên 20 cơ chế hợp tác song phương, trong đó có các cơ chế quan trọng như họp thường niên hai Thủ tướng, hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai Bộ trưởng Quốc phòng và Hội nghị Đối tác kinh tế và các hợp tác giữa các địa phương.

Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh...

Kim ngạch thương mại song phương ấn tượng

Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tốt: Kim ngạch quý I/2023 đạt 3,41 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,28 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,13 tỷ USD. Năm 2022 đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2% và nhập khẩu đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3%. Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Australia.

Tính đến hết tháng 4/2023, Australia có 596 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,99 tỷ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản. Tính đến tháng 02/2023, Việt Nam đầu tư sang Australia 88 dự án với tổng vốn đầu tư là 592,3 triệu USD, đứng thứ 10/79, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn bán lẻ, chế biến chế tạo.

Đối tác cấp ODA không hoàn lại lớn nhất

Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trung bình 92,7 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2013-2019 và 78,9 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2020-2022). Tháng 10/2022, Quốc hội Australia quyết định tăng 18% ODA cho Việt Nam, lên mức 92,8 triệu AUD giai đoạn 202-2023. Tại dự toán ngân sách 2023-2024 vừa được công bố ngày 11/5, Australia tiếp tục tăng thêm 2,5% cho Việt Nam, lên mức 95,1 triệu AUD. Trong vòng 50 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ ODA Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD (khoảng 47 nghìn tỷ VNĐ).

Australia cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia (90% theo diện tự túc). Tính đến tháng 3/2023, có 45 chương trình liên kết, đào tạo liên thông, 200 văn kiện hợp tác, nghiên cứu chung giữa các trường đại học, viện nghiên cứu hai nước.

Chương trình lao động kỳ nghỉ (3/2015) cho phép công dân Việt Nam sang Australia du lịch kết hợp làm việc và hai bên nhất trí nâng hạn mức từ 200 (2015) lên 1.500 người/năm từ tháng 9/2019. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về thị thực nông nghiệp (3/2022), dự kiến sẽ đưa mỗi năm 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp; hai bên đang trao đổi, điều chỉnh theo hướng triển khai Bản ghi nhớ này theo khuôn khổ Chương trình Lao động Nam Thái Bình Dương.

Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước đang phát triển tốt đẹp; cho đến nay đã có 15 cặp địa phương kết nghĩa, nổi bật là quan hệ kết nghĩa của một số địa phương như: Khánh Hòa - Vùng Lãnh thổ Bắc Australia (9/1999); TPHCM - Queensland (10/2005); Bà Rịa - Vũng Tàu - Vùng Lãnh thổ Bắc Australia (9/2007); TPHCM - Vùng Lãnh thổ Bắc Australia (2/2014); tỉnh Lạng Sơn và thành phố Goulburn Mulware (11/2018); TPHCM - New South Wales (4/2019); Đà Nẵng và thành phố Gold Coast (12/2020)…

Cộng đồng người Việt tại Australia có khoảng 350.000 người (đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Australia). Người Việt có mặt ở hầu hết các bang song tập trung chủ yếu tại các bang Queensland, New South Wales (160.000 người), Nam Australia, Victoria (130.000 người)…

Trong lĩnh vực hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn như ASEAN, EAS, APEC, ASEM, Liên hợp quốc.

Thủ tướng Anthony Albanese là Thủ tướng thứ 31 của Australia. Ông trở thành người đứng đầu chính phủ từ tháng 5/2022. Là một trong số những chính trị gia phục vụ lâu nhất tại Australia, ông nổi tiếng hình ảnh là một người "xây dựng" với thông điệp kết nối, đoàn kết. Trong quá trình tranh cử và bài phát biểu nhậm chức, ông nhấn mạnh định hướng thay đổi chính sách về môi trường, biến đổi khí hậu và năng lượng sạch.

Theo Bộ Ngoại giao