1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Thái Lan lên tiếng về tranh cãi quanh vụ bắt nghi phạm đánh bom

(Dân trí) - Thủ tướng Thái Lan ngày 1/9 nhận định nghi phạm vừa bị bắt tại biên giới Thái Lan - Campuchia rất có thể là nghi phạm đánh bom “áo vàng” bị truy nã, nhưng chưa thể khẳng định có phải người Trung Quốc hay không.

Ông Prayut Chan-o-cha cũng khẳng định nghi phạm bị bắt trong lãnh thổ Thái Lan, tại tỉnh Sa Kaew, giáp biên giới Campuchia, bác bỏ những hoài nghi trước đó rằng nghi phạm do lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ và bàn giao cho Thái Lan.

suspect-captured-1441159774916
Nghi phạm mới nhất bị bắt giữ được tin chính là kẻ mặc áo vàng đã đánh bom đền Erawan (Ảnh: Nation)

“Tôi có thể xác nhận nghi phạm trông giống người đang bị cơ quan chức năng truy tìm, có liên quan đến vụ việc gây tranh cãi này bị bắt tại Ban Pa Rai, tỉnh Sa Kaew, sau khi chúng tôi lập thêm một số chốt kiểm soát (trên tuyến biên giới với Campuchia). Nhưng chúng tôi cần phải xác minh danh tính của người này”, vị thủ tướng nói.

“Dấu vân tay và các dạng bằng chứng khác cần được thu thập. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm những nghi phạm khác đã đặt bom, lập kế hoạch, và những kẻ khác”, ông Prayut nói. “Chúng tôi hy vọng sẽ bắt được một số nghi phạm trong mạng lưới này sau khi kẻ đầu tiên đã bị bắt (hôm thứ Bảy). Những người bị bắt đến nay không phải người Thái Lan cũng không phải người Trung Quốc. Chúng tôi chưa thể xác nhận quốc tịch của những người này”.

Ông Prayut cho biết nếu nghi phạm mới bị bắt thực sự có liên quan đến vụ tấn công, việc khớp nối các mảnh ghép liên quan đến những thành viên còn lại của mạng lưới sẽ dễ dàng hơn.

passport-1441160025949
Một tấm hộ chiếu được truyền thông Thái Lan đăng tải với khẳng định của nghi phạm vụ đánh bom, cho thấy tên này đến từ Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh: Bangkok Post)

Chính phủ Thái Lan cũng đã liên lạc với đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Bangkok, những người khẳng định nghi phạm bị bắt hồi cuối tuần không phải công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, truyền thông Thái Lan đang đăng tải hình ảnh một tấm hộ chiếu được tin là do cảnh sát thu giữ từ nghi phạm vừa bị bắt, cho thấy tên này là công dân Trung Quốc, đến từ Tân Cương.

Trước đó, trong cuộc họp báo chiều 1/9 sau khi bắt giữ được nghi phạm, người phát ngôn cảnh sát Thái Lan Prawut Thavornsiri cũng từ chối khẳng định tên này chính là nghi phạm áo vàng. Tuy nhiên ông cho biết ngoại hình của tên này rất giống với nghi phạm trong hình vẽ bị truy nã.

“Còn quá sớm để nói điều gì bởi nghi phạm chỉ vừa mới bị bắt và đưa về Bangkok thẩm vấn lúc 4 giờ chiều”, ông Prawut khẳng định. Quân đội đang thẩm vấn nghi phạm và các nhân chứng sẽ được mời đến giúp nhận dạng nghi phạm.

Tên này có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với cơ quan điều tra, ông Prawut cho biết thêm.

Tranh cãi quanh số tiền thưởng

Trước đó chính quyền Thái Lan đã phát lệnh truy nã, đồng thời treo thưởng 3 triệu baht (khoảng 84.000 USD) cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ nghi phạm đánh bom đền Erawan.

somyot-1441160139778
Việc cảnh sát treo thưởng bắt nghi phạm sau đó tự nhận tiền đang khiến dư luật Thái Lan phản ứng (Ảnh: Bangkok Post)

Tuy nhiên, sau khi nghi phạm đầu tiên bị bắt hôm thứ Bảy, với danh tính và quốc tịch chưa xác định, vai trò trong vụ đánh bom cũng chưa được làm rõ, cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Somyot Poompunmuang ngày 31/8 đã tuyên bố trao thưởng cho các binh sỹ của mình.

Thông tin trên đang gây tranh cãi trong dư luận Thái Lan khi có nhiều ý kiến tin rằng việc cảnh sát nhận tiền thưởng không khác nào nhận hối lộ.

Theo tờ Bangkok Post, ông Mongkolkit Suksintharanon, tổng thư ký của mạng lưới chống tham nhũng quốc gia Thái Lan đang kêu gọi chính phủ xem lại liệu hành động này có hợp pháp hay không.

“Cảnh sát đã được nhận lương từ những người nộp thuế. Do đó trách nhiệm của họ là tìm ra hung thủ khi có hành động tội phạm xảy ra, nhất là trong một vụ việc đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta”, ông Mongkolkit nói. “Tốt hơn nên dùng số tiền đó quyên góp hỗ trợ các nạn nhân vụ nổ”.

Chủ tịch câu lạc bộ Hỗ trợ nạn nhân tội phạm Ajchariya Ruangratanapong cho rằng tiền thưởng làm lệch lạc đạo đức của lực lượng thực thi pháp luật.

“Khoản thưởng tiền mặt đó là một sự xung đột lợi ích bởi các nhân viên thực thi pháp luật có nghĩa vụ phải làm công việc đó”, ông Ajchariya nói. “Việc này chỉ khiến cảnh sát của chúng ta phục vụ chỉ vì tiền, không phải vì nghĩa vụ theo pháp luật hay vì nghĩa vụ đối với nhân dân”.

Thanh Tùng

Theo Bangkok Post, Nation

 

Thủ tướng Thái Lan lên tiếng về tranh cãi quanh vụ bắt nghi phạm đánh bom - 4