Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc lạnh nhạt tại hội nghị hạt nhân
(Dân trí) - Trong suốt cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Washington vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không hề nói chuyện với nhau - một động thái cho thấy bầu không khí căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Bloomberg cho biết, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington vào ngày 31/3 và 1/4, ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe đã không có bất cứ cuộc hội đàm bên lề nào. Họ không nói chuyện với nhau cả trong lúc các nhà lãnh đạo tại hội nghị chụp bức ảnh chung.
“Thực tế là họ có cơ hội khi xuất hiện ở cùng một nơi, cùng một thời gian, nhưng họ vẫn làm ngơ. Nó phản ánh sự lạnh nhạt hoặc ít nhất là sự không tha thiết của cả hai bên trong việc cải thiện mối quan hệ”, Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Honolulu, nhận định.
Về phía Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Yasuhisa Kawamura nói rằng, Nhật Bản vẫn cam kết cải thiện quan hệ với Trung Quốc mặc dù không có cuộc hội đàm nào giữa hai nhà lãnh đạo trong tuần này. “Nhìn chung quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang theo hướng dần dần cải thiện”, ông Kawamura nói. Tuy nhiên, ông từ chối nêu cụ thể lý do việc hai nhà lãnh đạo không hội đàm bên lề hội nghị ở Washington.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói rằng ông muốn tiếp tục gặp ông Tập Cận Bình bên lề các sự kiện quốc tế lớn. Hai nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ cùng tham gia hội nghị G20 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới.
Trong khi đó, Duyeon Kim, một học giả tại Chương trình Chính sách hạt nhân, nhận định: “Tuy ông Tập và ông Abe không hội đàm song phương nhưng điều này không ảnh hưởng đến vai trò của mỗi bên trong vấn đề an ninh hạt nhân. Có thể nó chỉ phản ánh những căng thẳng địa chính trị hiện tại, hơn là vấn đề an ninh hạt nhân”.
Sự “lạnh nhạt” này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản Trung Quốc căng thẳng do những vấn đề liên quan đến Biển Đông và Hoa Đông.
Nhật Bản hôm 28/3 cho biết sẽ cho khởi động một trạm radar tại biển Hoa Đông. Trạm radar này là một điểm thu thập thông tin tình báo cố định gần Đài Loan và nhóm đảo tranh chấp mà cả Tokyo và Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền. Theo Reuters, căn cứ mới của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nằm trên đảo Yonaguni thuộc cực nam của quần đảo Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Đảo này nằm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc chừng 150 km về phía nam.
Động thái này đã khiến Trung Quốc tức tối và cáo buộc Nhật Bản "đạo đức giả" khi vừa chỉ trích Bắc Kinh ở Biển Đông vừa tích cực mở căn cứ quân sự ở Hoa Đông.
Minh Phương
Tổng hợp