1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng May "sống sót", ly dị Anh - EU vẫn bế tắc

Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Đảng Bảo thủ (CP) cầm quyền hôm 12-12 khi nhận được 200 phiếu tín nhiệm và 117 phiếu bất tín nhiệm.

Dù vậy, theo Reuters, sự kiện hơn 1/3 nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thấy nội bộ CP đang có những chia rẽ sâu sắc về uy tín của bà May cũng như tiến trình Brexit (Anh rời khỏi khối Liên minh châu Âu - EU) dưới sự lãnh đạo của bà.

"Đó là một kết quả khủng khiếp đối với Thủ tướng May. Thủ tướng phải nhận ra rằng theo mọi quy tắc hiến pháp, bà ấy nên nhanh chóng gặp nữ hoàng và từ chức" - ông Jacob Rees-Mogg, lãnh đạo phe ủng hộ Brexit "cứng" (rời khỏi thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan của EU), khẳng định với đài BBC.

"Nếu bạn làm thủ tướng và 1/3 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bạn, đây là một điều hết sức tồi tệ" - ông Mark Francois, một nhà lập pháp theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, chia sẻ với Reuters.


Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào hôm 10-12, bà May đã hoãn phiên bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit tại quốc hội vì lo ngại rằng thỏa thuận này có thể nhận thất bại nặng nề.

"Rất nhiều đồng nghiệp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với tôi và tôi đã lắng nghe ý kiến của họ. Bây giờ, chúng ta phải tiếp tục tiến trình Brexit cho người Anh" - bà May phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 12-12, đồng thời tuyên bố sẽ tìm kiếm những sự đảm bảo pháp lý về nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit của bà liên quan đến đường biên giới giữa Ireland (thành viên EU) với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh.

Thủ tướng May sẽ gặp gỡ 27 lãnh đạo của các nước thành viên EU tại Brussels - Bỉ trong ngày 13-12 để tiếp tục trao đổi về thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, theo Reuters, giới lãnh đạo EU không có ý định thay đổi thỏa thuận và điều này có nghĩa là cuộc "ly dị" giữa Anh và EU có thể tiếp tục đi vào bế tắc.

Brexit là một trong những quyết định về mặt kinh tế và chính trị quan trọng nhất đối với Anh kể từ khi thế chiến II kết thúc. Những người phản đối Brexit lo ngại Brexit sẽ làm suy yếu phương Tây giữa lúc họ ngày càng bất đồng với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi các mối đe dọa liên quan đến Nga và Trung Quốc gia tăng.

Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit thừa nhận nó có thể khiến kinh tế Anh chịu một số tổn thất trước mắt nhưng sẽ phát triển về mặt lâu dài khi quốc gia của họ rời khỏi EU.

Theo Cao Lực

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm