1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Israel "nhờ cậy" Mỹ trước thông tin ICC phát lệnh bắt giữ

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngăn Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông và một số quan chức cấp cao khác của Israel.

Thủ tướng Israel nhờ cậy Mỹ trước thông tin ICC phát lệnh bắt giữ - 1

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: AFP).

Axios dẫn lời hai quan chức Israel giấu tên cho biết, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 28/4, đề nghị ông sử dụng ảnh hưởng của Washington để ngăn Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ thuộc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều kêu gọi đáp trả ICC nếu cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ thủ tướng và các quan chức Israel. Các thành viên  của Quốc hội Mỹ đã đưa ra cảnh báo về hậu quả đối với bất kỳ động thái nào của ICC.

Nghị sĩ Ritchie Torres (New York) nhấn mạnh cả Quốc hội Mỹ và Tổng thống Biden đều phải đáp trả bằng "những hậu quả mạnh mẽ" nếu ICC ban hành lệnh truy nã đối với thủ tướng và các quan chức cấp cao của Israel.

"Việc vũ khí hóa luật pháp không được phép tồn tại", ông Torres nói.

Nghị sĩ John Fetterman (Pennsylvania) cho biết việc tìm cách truy tố các nhà lãnh đạo Israel "sẽ là một đòn chí mạng đối với vị thế tư pháp và đạo đức của ICC". Ông kêu gọi Tổng thống Biden can thiệp.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố ICC không có thẩm quyền đối với Israel. Ông gọi các lệnh bắt giữ là "vô căn cứ và bất hợp pháp", đồng thời nói thêm rằng động thái này sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ, một đồng minh của Israel.

Israel đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023. Cuộc tấn công đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.200 người Israel, chủ yếu là dân thường. Trong khi đó, theo chính quyền Gaza, các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 34.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.

Trong những tháng gần đây, chiến dịch quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tại Dải Gaza, một vùng lãnh thổ đông dân của Palestine, ngày càng bị chỉ trích rộng rãi, ngay cả bởi các đồng minh của họ là Mỹ và châu Âu.

ICC đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine ở Bờ Tây và Gaza từ năm 2021. Cuộc điều tra bao gồm các sự kiện kể từ năm 2014. Tòa án có trụ sở tại Hague khẳng định những vi phạm đã xảy ra trong cuộc xung đột sau vụ tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái cũng nằm trong thẩm quyền điều tra của ICC.

Hãng tin Mỹ NBC News dẫn lời một quan chức Israel cho biết, lệnh bắt giữ của ICC có thể được ban hành đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các sĩ quan quân đội cấp cao khác.

ICC không xác nhận hay phủ nhận thông tin trên. ICC nói với NBC rằng cơ quan này "đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập liên quan đến tình hình ở nhà nước Palestine" và "không bình luận thêm trong giai đoạn này".

Thủ tướng Netanyahu tuyên bố "bất kỳ sự can thiệp nào của ICC sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm". Nhà lãnh đạo Israel tuyên bố chừng nào ông còn nắm quyền, "Israel sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của ICC nhằm làm suy yếu quyền tự vệ vốn có của mình".

Israel không phải là thành viên của ICC và không công nhận quyền tài phán của ICC. Tuy nhiên, nếu lệnh bắt giữ ông Netanyahu và các quan chức Israel khác được ban hành, 124 quốc gia thành viên ICC sẽ có nghĩa vụ bắt giữ nếu họ đặt chân tới những nước này.

ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, là tòa án quốc tế thường trực duy nhất trên thế giới có quyền truy tố các cá nhân bị buộc tội về tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Cơ quan này không sở hữu lực lượng cảnh sát riêng mà chủ yếu dựa vào 124 quốc gia thành viên, bao gồm hầu hết các nước châu Âu để bắt giữ những nhân vật bị kết án.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm