Cannes - nơi “hứa hẹn” một thượng đỉnh G20 căng thẳng nhất lịch sử?
(Dân trí) - Nhóm họp tại Cannes hôm nay, lãnh đạo các nước G20 mới phải đối diện với vấn đề nợ nần nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thất nghiệp trên toàn thế giới. Đáng chú ý, có 2 “nhân tố” chi phối hội nghị, đó là Hy Lạp và Trung Quốc.
“Tầm cỡ” những khó khăn
Khối G20 bao gồm các nền kinh tế quan trọng nhất và hầu hết dân số, hoạt động thương mại, và sản lượng trên toàn thế giới. Chương trình nghị sự trong cuộc gặp thường kỳ của lãnh đạo các nước thuộc nhóm G-20 tổ chức tại Cannes hai ngày 3 và 4 /11 đang hứa hẹn đây sẽ là hoạt động căng thẳng nhất trong lịch sử những sự kiện này.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm những nền kinh tế lớn nhất và đang lên của thế giới này gặp nhau giữa lúc triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm nhất kể từ đầu năm 2009, khi nhóm này đã nhất trí khoản viện trợ tài chính khẩn cấp khoảng 1.000 tỷ USD tại một hội nghị thượng đỉnh tại London.
Hai báo cáo được công bố hai ngày trước hội nghị cho thấy những thông tin mới về tầm cỡ những khó khăn kinh tế sẽ được mang ra bàn:
Trước hết, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nói số người thất nghiệp trên thế giới đã lên tới mức cao kỷ lục là 200 triệu. ILO cũng nói nền kinh tế thế giới phải tăng 80 triệu công ăn việc làm mỗi năm để có thể cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống những mức được thấy trước khi có khủng hoảng kinh tế.
ILO cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sắp sửa có một cuộc khủng hoảng kinh tế mới và một tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, chắc sẽ dẫn tới một cuộc xáo trộn xã hội lớn hơn.
Tiếp đó, một báo cáo khác do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris đưa ra kêu gọi lãnh đạo các nước G20 thực hiện những quyết định mạnh bạo để đem nền kinh tế thế giới trở lại đúng hướng. OECD nói bước quan trọng thứ nhất sẽ là “bó buộc thi hành ngay lập tức” hiệp định mới đây để cắt giảm nợ nần của Hy Lạp xuống một nửa và gia tăng quỹ cứu nguy của Châu Âu.
OECD tuyên bố rằng những bất ổn có liên quan đến triển vọng kinh tế ngắn hạn đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, trong khi có những nhận định cho rằng kinh tế thế giới đang bên bờ một cuộc suy thoái kinh tế mới.
“Vết bỏng” Hy Lạp
Hội nghị chưa họp mà những cuộc biểu tình đã bắt đầu tại khu nghỉ mát Riviera ở Cannes. Hàng nghìn người đòi điều mà họ gọi là “công bằng xã hội.” Những đòi hỏi của họ gồm cả đánh thuế trên những vụ giao dịch tài chính, tài trợ thêm cho phát triển kinh tế và dẹp bỏ những nơi mà giới người giàu có thể lợi dụng để trốn thuế.
Nhưng những diễn biến ở Riviera không thu hút nhiều sự quan tâm của báo giới, vì mối quan tâm tận Hy Lạp, một nước không phải là thành viên của khối G20.
Quyết định của chính phủ Hy Lạp - tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về gói biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đề xuất như là cách ra khỏi khủng hoảng nợ - đang đe dọa dấy lên vòng mới của cuộc suy thoái toàn cầu. Thoả thuận đạt được hồi tuần trước yêu cầu các ngân hàng xóa 140 tỉ USD nợ cho Hy Lạp và đổi lại giới hữu trách Athens phải tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng toàn diện, khiến dân chúng tức giận.
Hy Lạp không phải là thành viên của khối G20, tức là nhóm các nền kinh tế hàng đầu hoặc đang lên, nhưng kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý của Thủ tướng George Papandreou đang làm nảy sinh những câu hỏi nghiêm túc về sự vững chắc của kế hoạch cứu trợ tài chính, được nhất trí tuần trước sau hai hội nghị thượng đỉnh căng thẳng của Liên minh chấu Âu.
Với quyết định này, kế hoạch cứu nguy của châu Âu có nguy cơ bị phá sản, dẫn đến khả năng Hy Lạp tuyên bố phá sản và ra khỏi khu vực đồng euro.
Tin tức từ Athens đã tác động rất mạnh đến thị trường tài chính khi các nhà đầu tư lo rằng kế hoạch cứu nguy nợ nần sẽ tan vỡ và Hy Lạp sẽ không trả được những khoản nợ đáo hạn của quốc tế.
Toàn châu Âu lo ngại “vết bỏng” Hy Lạp sẽ lan ra và một kịch bản “ngày tận thế của eurozone” sẽ hình thành: sau khi Hy Lạp ra khỏi eurozone thì phải chăng sẽ đến lượt Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, những quốc gia cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đã từ lâu, giới quan sát cảnh báo, sự tan rã của khu vực đồng euro đe dọa sự tồn tại của Liên minh châu Âu. Châu Âu cuống cuồng tìm giải pháp.
Một ngày trước khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của G20 nhóm họp và trước khi ông Papandreou từ Athens tới, Tổng thống Nicolas Sarkozy của nước Pháp, quốc gia giữ chức chủ tịch tổ chức G-20 trong năm nay, đã loan báo triệu tập cuộc họp khẩn cấp các nhà lãnh đạo châu Âu để bàn về vấn đề Hy Lạp.
Ông nói hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ chú trọng cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Dù vậy, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu là Herman Van Rompuy và Jose Manuel Barroso nói họ “toàn toàn tin tưởng” rằng Hy Lạp sẽ tuân thủ thỏa thuận giảm nợ đạt được với khu vực euro hồi tuần trước.
Hy vọng vào Trung Quốc
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel định sử dụng hội nghị tại Cannes để huy động sự ủng hộ quốc tế đối với kế hoạch cứu trợ tài chính của châu Âu, trong đó có cả khả năng đóng góp tài chính của những nước có khoản dự trữ ngoại tệ lớn như Trung Quốc, Brazil và Hàn Quốc.
Trong những cái tên trên, châu Âu hiện đặt nhiều hy vọng vào sự giúp đỡ về tài chính của Bắc Kinh, trong bối cảnh đang phải tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ.
Trung Quốc đã tích cực đầu tư vào châu Âu - điều mà các chính khách châu Âu nhận thức rõ khi họ cố thúc đẩy kế hoạch tăng nguồn lực cho Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) thêm 440 tỷ euro (khoảng 616 tỷ USD) vì số tiền hiện nay trong quỹ bị coi là quá ít ỏi để ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro.
Châu Âu cho rằng với 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và một nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào các hoạt động xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Mỹ, Trung Quốc vừa có phương tiện, vừa có động lực để giúp châu Âu trong giai đoạn khó khăn này.
Vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu tiếp tục tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vào mùa Thu năm 2008. Năm 2010, đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đã đạt 6,8 tỷ USD, tăng gấp đôi so với một năm trước đó.
Có ý kiến cho rằng châu Âu đang cố thuyết phục Trung Quốc đầu tư khoảng 100 tỉ USD trong EFSF, trong khi nhiều phân tích nhận định Trung Quốc sẽ "tránh xa" EFSF và sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào từng nước, từng tài sản cụ thể ở châu Âu.
Có ý kiến, mà chủ yếu từ Trung Quốc, cho rằng do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chậm lại và lạm phát vẫn liên tục ở mức cao, giá lương thực và nhà ở gia tăng, sẽ rất mạo hiểm nếu Trung Quốc đầu tư quá mức vào gói cứu trợ cho châu Âu.
Chưa rõ phản ứng của Trung Quốc. Trước mắt, Trung Quốc chỉ mới tỏ ý hy vọng rằng trong những cuộc đàm phán về tình hình Hy Lạp, người châu Âu sẽ đưa ra quyết sách có thể bình ổn thị trường.
Nguyễn Viết