1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Hun Sen phản bác lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Campuchia đã lên tiếng phản bác sau khi chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Đông Nam Á do lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thủ tướng Hun Sen phản bác lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ - 1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Khmer Times).

Chính phủ Mỹ ngày 8/12 đã thông báo áp lệnh trừng phạt đối với chính phủ Campuchia, cấm xuất khẩu các vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ cho Campuchia vì lo ngại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này.

Cùng với lệnh cấm vận vũ khí, Mỹ cũng hạn chế việc Campuchia tiếp cận các thiết bị có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, các trang thiết bị và dịch vụ quốc phòng.

Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi Campuchia "đạt được tiến bộ có ý nghĩa" trong việc giải quyết các vấn đề như tham nhũng cũng như "giảm bớt ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở Campuchia".

Lệnh cấm vận mới của Mỹ được công bố một tháng sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ đồng loạt ra thông báo về việc trừng phạt hai quan chức Campuchia bị cáo buộc trục lợi từ việc xây dựng tại căn cứ hải quân Ream do Mỹ tài trợ. Mỹ cáo buộc Campuchia thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ này.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 9/12 tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ mang dấu hiệu của khuynh hướng chính trị nhiều hơn, chứ không phải xuất phát từ mong muốn bảo vệ dân chủ theo phiên bản của Mỹ và thượng tôn pháp luật.

"Các biện pháp trừng phạt chống lại tôi không hề khiến tôi lo ngại chút nào. Bởi vì tôi không có tiền trong ngân hàng ở nước ngoài, do vậy các lệnh trừng phạt là vô nghĩa đối với tôi", ông Hun Sen nói.

Thủ tướng Hun Sen thậm chí cảm ơn Mỹ vì đã áp lệnh cấm vận, khiến người Campuchia không thể tiếp tục gửi tiền tại các tài khoản ngân hàng ở Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải giữ tiền ở lại Campuchia để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Người phát ngôn của chính phủ Campuchia Phy Siphan cũng cho biết, việc chính phủ Mỹ quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Campuchia và không bán vũ khí cũng như thiết bị quân sự cho Campuchia vì các vấn đề như tham nhũng hay ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở Campuchia là sai trái và không hợp lý.

Chuyên gia Kin Phea, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Campuchia xuất phát từ khuynh hướng chính trị chứ không phải vì bất kỳ yếu tố nào khác.

"Đây là cái cớ mà Mỹ sử dụng trong nỗ lực gây ảnh hưởng. Bản chất thực sự là cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Phea nói.

Ông Phea nói thêm rằng, Campuchia đã quen với việc bị Mỹ và các đồng minh của họ trừng phạt, nhưng những biện pháp trừng phạt bổ sung lần này thực sự ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao Campuchia - Mỹ.

Theo ông Phea, việc Campuchia duy trì mối quan hệ với Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc có bất kỳ ảnh hưởng quá mức nào đối với việc ra quyết định của Campuchia. Thay vào đó, hai quốc gia chỉ đang duy trì mối quan hệ thân thiết và cùng tham gia vào sự phát triển của nhau trong nhiều lĩnh vực.

"Mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển, chủ quyền và lợi ích chung của nhau. Vì vậy, nói rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến Campuchia là không đúng", ông Phea nói.

Trung Quốc đã trở thành một đồng minh kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng của Campuchia. Trung Quốc là nước viện trợ phát triển hàng đầu cho Campuchia với việc đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á này. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc cũng viện trợ vaccine cho Campuchia.