1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Davutoglu từ chức: Bước tiến quyền lực mới của Erdogan

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu buộc phải từ chức là do ông đã trở thành vật cản trên con đường thâu tóm quyền lực tuyệt đối của Tổng thống Erdogan.

Thủ tướng Ahmet Davutoglu tuyên bố từ chức

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố rằng, trong tương lai gần ông sẽ từ bỏ chức vụ Thủ tướng chính phủ, cũng như Chủ tịch đảng Công lý và Phát triển (AKP) đang cầm quyền ở đất nước này, tuy nhiên ông sẽ không rời khỏi đảng.

Bất chấp những tin đồn của truyền thông về việc bản thân mình phải từ chức do phản đối nỗ lực mở rộng phạm vi quyền lực cá nhân của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Davutoglu nhấn mạnh rằng ông và nhà lãnh đạo Erdogan vẫn giữ "quan hệ bằng hữu”.

Phát biểu với giới báo chí, ông Davutoglu nói rằng AKP đang bước vào giai đoạn phát triển mới, việc có một Chủ tịch Đảng mới (kiêm Thủ tướng mới) sẽ phù hợp hơn, vì sự đoàn kết của Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền.

Được biết, tuy đã tuyên bố sẽ từ chức nhưng ít nhất là ông Davutoglu sẽ giữ chức vụ Thủ tướng cho đến ngày 22/5, khi đảng AKP tổ chức đại hội bất thường để bầu ra Chủ tịch mới - người sẽ kế nhiệm chức vụ Thủ tướng của ông Davutoglu.

Thủ tướng Davutoglu được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo Đảng AKP hồi tháng 8/2014, khi ông Erdogan rời khỏi chức vụ này để nhậm chức Tổng thống. Nửa nhiệm kỳ thủ tướng của ông Davutoglu được cho là đạt được những thành công đáng kể.

Được biết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố từ chức trong khi ông còn khá nhiều việc đang xúc tiến dang dở như nối lại quan hệ hữu nghị với Nga và các cuộc đàm phán giang giở giữa Ankara và Liên minh châu Âu về việc đẩy nhanh tiến trình đưa nước này gia nhập EU.

Ông Davutoglu được xem là người có công lớn trong việc ký kết thỏa thuận về dân di cư vào châu Âu giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hiện đang phản ứng dè dặt và thận trọng trước quyết định từ chức của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu.

Còn hầu hết các nhà ngoại giao châu Âu đều cho rằng, quyết định từ chức của ông Davutoglu không phải là một tin tốt, trong bối cảnh EU và Thổ Nhĩ Kỳ mới đạt được thỏa thuận di cư - văn kiện ghi dấu ấn cá nhân lớn của ông Davutoglu và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bình luận về sự kiện này, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nhấn mạnh, những tác động từ việc thay đổi vị trí Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đối với tiến trình các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Ankara và EU "hiện chưa rõ ràng."

Người phát ngôn của Chính phủ Đức Georg Streiter khẳng định, cho đến nay Thủ tướng Angiela Merkel đã làm việc rất hiệu quả với Thủ tướng Davutoglu. Đức mong muốn sự hợp tác tốt đẹp và mang tính xây dựng này sẽ tiếp tục duy trì và phát triển với thủ tướng kế nhiệm.

Mâu thuẫn âm ỉ bởi Thủ tướng “không... nghe lời”

Quan hệ giữa Thủ tướng Ahmet Davutoglu và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan được cho là đã bị rạn nứt trong nhiều tháng qua và bộc lộ rõ ràng khi tuần qua, ông Davutoglu bị tước quyền bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh của đảng AKP và chuyển vào tay Tổng thống Erdogan.

Những rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thể hiện trong nhiều vấn đề từ quan hệ với châu Âu tới các quyết định bắt bớ người chỉ trích chính phủ hoặc tấn công giới truyền thông, thậm chí là trong cả vấn đề quan hệ với Nga.

Rất có thể ông Erdogan sẽ hậu thuẫn con rể của mình là Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak trở thành người đứng đầu nội các Thổ Nhĩ Kỳ
Rất có thể ông Erdogan sẽ hậu thuẫn con rể của mình là Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak trở thành người đứng đầu nội các Thổ Nhĩ Kỳ

Chỉ trước khi tuyên bố từ chức 1 ngày, Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã đưa ra tuyên bố rằng, bất kể sự cố bắn rơi máy bay Nga Su-24 ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn là hai người hàng xóm lớn, là hai quốc gia quan trọng trong khu vực và luôn cần đến nhau.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Al Jazeera Turk rằng, tai nạn đáng tiếc với chiếc máy bay Su-24 không phải là hành động cố tình chống Nga và bày tỏ hy vọng hai nước sẽ khôi phục quan hệ tốt đẹp đã từng có trong thời gian tới.

Hơn nữa, ông Davutoglu là người theo chủ trương nối lại đàm phán hòa bình với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà quân đội và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các hoạt động quân sự để chống lại cánh vũ trang vủa họ ở miền nam đất nước.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị thế giới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã quyết định loại bỏ Thủ tướng Ahmet Davutoglu ra khỏi sân khấu chính trị, bởi ông này chỉ muốn một thủ tướng “ngoan ngoãn hơn” và sẽ làm theo hướng dẫn của mình trong tất cả mọi việc.

Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo này diễn ra hôm 4/5, nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn về quan điểm đã thất bại và tất yếu là dẫn tới việc ông Davutoglu tuyên bố sẽ từ chức khi mới đi qua gần nửa nhiệm kỳ Thủ tướng.

Tờ báo Đức Deutsche Wirtschafts Nachrichten cho rằng, các Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm độc lập với Tổng thống sẽ không bao giờ tồn tại được. Việc ông Davutoglu từ chức được cho là sự mở đường để ông Erdogan trở thành một Nhà lãnh đạo độc tài ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các chuyên gia, những ứng cử viên tiềm năng có thể được lựa chọn thay thế ông Davutoglu bao gồm, người phát ngôn của Chính phủ Numan Kurtulmus, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bekir Bozdağ, Bộ trưởng Giao thông Binali Yildirim và Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak.

Nhưng trong đó, để tiếp tục thâu tóm và kiểm soát quyền lực tuyệt đối về tay mình, rất có thể Tổng thống Erdogan sẽ hậu thuẫn và thúc đẩy để con rể của mình là Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak trở thành người đứng đầu nội các Thổ Nhĩ Kỳ.

Davutoglu “ngã ngựa” bởi cản đường Erdogan

Nguyên nhân quan trọng nhất buộc ông Davutoglu phải từ chức được các chuyên gia chỉ ra là do Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành vật cản đối với ông Erdogan, trên con đường thâu tóm quyền lực tuyệt đối.

Sáu tháng vừa qua, ông Davutoglu đã phản đối tham vọng quyền lực của Tổng thống Erdogan về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, đưa đất nước Thổ Nhĩ Kỳ chuyển từ chế độ Cộng hòa Nghị viện sang Cộng hòa Tổng thống, tập hợp tất cả quyền lực vào tay ông Erdogan.

Ông Erdogan cho rằng, đây là biểu hiện chống đối lại đường lối của người lãnh đạo tối cao, đồng thời nghi ngờ việc Mỹ gần đây đang “ve vuốt” Thủ tướng Davutoglu là “có ý đồ” loại bỏ quyền lực lãnh đạo Đảng cầm quyền và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Al-Monitor cho biết, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã lên kế hoạch gặp gỡ Thủ tướng Davutoglu vào ngày 05 tháng 5, nhưng cuối cùng sự kiện này đã bị hủy bỏ sau tuyên bố đầy bất ngờ nhưng không khó giải thích của người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Davutoglu “ngã ngựa” bởi đã phản đối tham vọng quyền lực của Tổng thống Erdogan?
Ông Davutoglu “ngã ngựa” bởi đã phản đối tham vọng quyền lực của Tổng thống Erdogan?

Nguồn tin của Al-Monitor ghi nhận rằng, thái độ tốt đẹp của Washington với Thủ tướng Davutoglu, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh "vòi hoa sen lạnh giá" mà ông Obama đã dành cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng ba vừa qua đã làm dấy lên những “nghi ngờ” của ông Erdogan.

Phía Tổng thống Erdogan sợ rằng, sau khi đã bảo đảm sự ủng hộ của Washington, Davutoglu sẽ cố gắng để củng cố vị trí chính trị và mở rộng phạm vi quyền hạn của mình. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến việc thâu tóm quyền lực tối cao tuyệt đối của Erdogan.

Nhà báo William Whiteman bình luận trên Sputnik rằng, sự kiện ông Davutoglu tuyên bố từ chức cho thấy, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng loại bỏ các chướng ngại vật trên con đường thu vén quyền lực tuyệt đối, nhằm củng cố vị trí toàn quyền của mình.

Theo nhà báo William, đây chính là một động thái nỗ lực để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đất nước độc tài, khôi phục giấc mơ Đế chế Ottoman đã từng thống trị hầu hết lục địa Á-Âu, trong đó, ông ta trở thành một “Sultan mới''.

Ông William Whiteman nói rằng khi nổ ra các cuộc đụng độ với người Kurd, Thủ tướng Davutoglu “có khí chất lãnh đạo” riêng còn Erdogan chỉ là kẻ cơ hội, hay lợi dụng cuộc khủng hoảng người di cư để tống tiền các nhà lãnh đạo châu Âu.

Thủ tướng Davutoglu cũng được coi là người có khả năng và triển vọng để thực thi các cuộc đàm phán giải quyết tình trạng xung đột với người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kỳ vọng vào hòa bình cho đất nước đối với ông Davutoglu còn lớn hơn cả Tổng thống Erdogan.

Uy tín và danh vọng của Thủ tướng Davutoglu càng tăng cao thì càng gây sự lo lắng cho Tổng thống Erdogan. Do đó, việc ông Davutoglu phải ra đi là điều tất yếu trên con đường nắm quyền thống trị tuyệt đối đất nước Thổ Nhĩ Kỳ của “Quốc vương” Recep Tayip Erdogan.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm