Thủ tướng Campuchia: Đụng độ biên giới là “cuộc chiến thực sự”
(Dân trí) - Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm qua cho rằng các cuộc đụng độ gần đây với Thái Lan ở các khu vực biên giới tranh chấp là “một cuộc chiến thực sự”, và cho biết thêm sẽ không có cuộc đàm phán song phương nào nữa. Hai bên cùng cáo buộc nhau dùng bom chùm.
“Đây là cuộc chiến thực sự, không phải đụng độ quân sự”, ông cho biết trong lễ bế mạc Hội nghị của Bộ Thương nghiệp hàng năm. “Thái Lan đã tạo ra cuộc chiến này. Thủ tướng Thái Lan Abhisit phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến này”.
Ông Hun Sen cáo buộc quân đội Thái Lan bắn bom chùm vào lính Campuchia. “Cuộc chiến của chúng ta với Thái Lan sẽ diễn ra trong thời gian dài”, ông nói.
“Giờ đây cơ chế song phương không có giá trị, vì vậy cần phải có cơ chế quốc tế. Campuchia sẽ dùng cơ chế quốc tế, như kêu gọi Liên hợp quốc nhóm họp khẩn và gửi nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hoặc quan sát viên Liên hợp quốc tới Campuchia”.
“Chính phủ Thái Lan sẽ e ngại cơ chế quốc tế”, ông Hun Sen cho hay.
Trong khi từ chối đàm phán song phương và cam kết Campuchia sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề biên giới, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh “các cuộc thương lượng hòa bình vẫn sẽ tiếp tục, nhưng thương lượng phải có sự tham gia của bên thứ ba”.
Ông Hun Sen cho hay Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong sẽ báo cáo với Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này.
Ông cũng phủ nhận thông tin của báo chí Thái Lan cho rằng người con trai cả của ông bị thương trong vụ đấu súng với quân Thái Lan vào ngày thứ hai vừa qua.
Biên giới Thái Lan và Campuchia chưa được phân giới xong và vấn đề đền Preah Vihear là tranh chấp nhức nhối từ lâu. Mặc dù Tòa án công lý quốc tế năm 1962 ra phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia, nhưng tranh cãi quanh lãnh thổ rộng 4,6km vuông quanh ngôi đền chưa được giải quyết.
Các cuộc đụng đội mới nhất bắt đầu từ ngày 4/7 giữa hai nước đã khiến một số binh sỹ ở cả hai bên thiệt mạng và bị thương, gây hư hại tới ngôi đền được công nhận Di sản Thế giới năm 2008. Cùng lúc, hàng chục ngàn người dân làng ở cả hai nước sống gần biên giới tranh chấp phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.