1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu 4 đóng góp của công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần đưa hình ảnh và những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam đến với thế giới, và nhờ đó hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trong thời gian qua trên trường quốc tế được nâng cao.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu 4 đóng góp của công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài - 1

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Nguyễn Hồng/Thế giới & Việt Nam)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài - đã chia sẻ điều đó trước thềm Hội nghị quốc tế về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài lần thứ IV, được tổ chức từ ngày 12-13/12 tại Hà Nội.

Theo ông Bùi Thanh Sơn, viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2008-2013 đạt 1,43 tỷ USD, giai đoạn 2014-2019 đạt 1,76 tỷ USD. Con số này tuy không nhiều, nhưng đó là viện trợ không hoàn lại. Viện trợ tập trung vào các đối tượng rất có nhu cầu, với các lĩnh vực ưu tiên trợ giúp là công tác xóa đói giảm nghèo, các lĩnh vực y tế giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh. Công tác viện trợ được triển khai trải rộng trên tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam và các đối tượng thụ hưởng rất rộng.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chỉ ra 4 đóng góp chính của công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài là: Góp phần rất tích cực vào việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc; đóng góp vào quỹ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng thụ hưởng chính sách; nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân được nhận được viện trợ phi chính phủ nước ngoài trực tiếp triển khai; góp phần quảng bá hình ảnh về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam đến thế giới, và chính vì thế mà hình ảnh vị thế uy tín của Việt Nam trong thời gian qua trên trường quốc tế được nâng cao.

Nhận định về công tác phi chính phủ thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, trong chương trình vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho giai đoạn 2020-2025, Việt Nam xác định rất rõ mục tiêu các trọng tâm và mong rằng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nghiên cứu chương trình để trên cơ sở đó cụ thể hóa cùng phía Việt Nam triển khai hoạt động. Tuy nhiên, ông muốn nhấn mạnh hai lĩnh vực rất mới mà Việt Nam trong giai đoạn tới rất cần các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ là chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn làm được những điều này, Việt Nam cần sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp của Việt Nam theo hướng có kỹ năng và đi vào công nghệ cao.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết thêm, trong thời gian tới, Ủy ban tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi tốt hơn, tạo cơ sở hành lang pháp lý rất cụ thể để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động trong khuôn khổ pháp lý đó. Điều đó vừa tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ thấy sự minh bạch, công khai, bình đẳng, đồng thời cũng cho thấy sự đóng góp hữu ích vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), cho hay với tư cách là tổ chức có vai trò làm đầu mối phối hợp trong một số hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác phi chính phủ nước ngoài, trong thời gian tới Liên hiệp sẽ tập trung vào đổi mới công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài với cách tiếp cận mới, chủ động tích cực hơn, tìm kiếm các đối tác mới và tăng cường quan hệ với các đối tác cũ. Ngoài ra, Liên hiệp cũng tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tất cả các khâu kể từ khâu về xem xét để cấp giấy phép quản lý, tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Nga cho biết thêm, công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài đang đứng trước những thách thức lớn, cả ở trong nước lẫn quốc tế. Cùng với thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì Việt Nam giờ đây không còn nằm ở trong nhóm được ưu tiên dành cho các nguồn lực phát triển. Trên thế giới, tình hình cũng rất khác trước khi những xu hướng mới của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan đang tác động đến hợp tác nhân dân quốc tế.

“Thế hệ mà trước kia xuống đường để ủng hộ Việt Nam, hay chúng ta vẫn hay gọi là thế hệ Việt Nam, bây giờ hầu hết là cũng đã lớn tuổi. Trong số các bạn bè quốc tế nhiều người trẻ chưa có sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ phải làm sao vừa là củng cố được mạng lưới bạn bè quốc tế đã từng gắn bó thân thiết, rất hiểu biết và yêu mến Việt Nam, đồng thời cũng là mở rộng mạng lưới bạn bè đến các rộng rãi hơn đến các tầng lớp nhân dân trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ”, bà Phương Nga nói.

Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), đánh giá rất cao sự phối hợp giữa Amcham và Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, đầu mối trong quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, trong việc thực hiện các chương trình viện trợ tại Việt Nam. Bà cho biết, trong các hoạt động viện trợ thời gian tới Amcham sẽ chú trọng tới các hoạt động tăng cường môi trường sạch như vấn đề rác thải nhựa.

Đức Hoàng - An Bình