1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ tài trợ 300 triệu USD cho dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ cam kết cung cấp 300 triệu USD cho dự án kéo dài 10 năm nhằm xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa và các khu vực xung quanh. Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật tại 8 tỉnh của Việt Nam.

Mỹ tài trợ 300 triệu USD cho dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa - 1

Các đại biểu tham dự lễ động thổ dự án xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa (Ảnh: USAID)

Đại sứ quán Mỹ hôm nay ra thông báo cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) ngày 5/12 đã tổ chức lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và ký thỏa thuận triển khai một dự án 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

Tham dự sự kiện mang tính cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ này có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam Caryn R. McClelland, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh Marie Damour và Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene. 

“Không những chúng ta sẽ hợp tác để giảm thiểu nguy cơ và bảo đảm an toàn cho các cộng đồng xung quanh mà chúng ta sẽ còn một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt - Mỹ trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một tương lai hữu nghị và thịnh vượng chung”, Đại biện lâm thời McClelland phát biểu tại buổi lễ.

Quân chủng PK-KQ đã bàn giao 37 hecta đất khu vực phía tây sân bay cho USAID để bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.

Với hỗ trợ của USAID, các đội thi công đã xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để phục vụ dự án, đồng thời các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc cũng đã bắt đầu được triển khai. Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay, phối hợp với cơ quan chính quyền tỉnh Đồng Nai để làm sạch các khu vực ngoài sân bay và sau đó là xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin.

Chính phủ Mỹ đã cam kết khoản kinh phí 300 triệu USD để khôi phục môi trường cho sân bay và các khu vực xung quanh và dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm. 

"Chúng ta sẽ là tấm gương cho người dân tương lai và thế giới"

Mỹ tài trợ 300 triệu USD cho dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa - 2

Lễ ký thỏa thuận tài trợ 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. (Ảnh: USAID)

Cũng trong ngày 5/12, USAID đã ký một thỏa thuận với NACCET về khoản tài trợ 65 triệu USD nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới.

Cụ thể, USAID dự kiến sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam để củng cố hệ thống phục hồi chức năng của Việt Nam và các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo tất cả người khuyết tật đều có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội, đồng thời cải thiện toàn diện chất lượng cuộc sống của họ.

"Tôi tin rằng thỏa thuận về hỗ trợ người khuyết tật sẽ được ký ngày hôm nay cũng quan trọng như dự án mà chúng ta đã khởi động cách đây 8 tháng để làm sạch đất và trầm tích nhiễm dioxin tại Biên Hòa", Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy, người đã hợp tác với Việt Nam trong 30 năm qua nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, nói qua video chúc mừng lễ động thổ.

Mỹ tài trợ 300 triệu USD cho dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa - 3

Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy phát biểu qua video chúc mừng lễ động thổ. (Ảnh: USAID)

Theo ông Patrick, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật này và dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa có những mục tiêu bổ sung cho nhau là loại bỏ nguy cơ phơi nhiễm dioxin và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật nặng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Ông Patrick thừa nhận "chiến tranh là một thảm họa đối với người dân cả hai nước và chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng mỗi chúng ta có trách nhiệm hành động để làm sao tạo ra những cơ hội mới và cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân hôm nay và mai sau".

Theo Thượng nghị sĩ Mỹ, chương trình 5 năm hỗ trợ người khuyết tật được ký hôm nay không chỉ là một cột mốc nữa trong quan hệ đối tác Việt - Mỹ mà còn là một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy hai nước cùng cam kết với nhiệm vụ này. 

"Chúng ta đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu, nhưng chúng ta phải tiếp tục phấn đấu để đáp ứng những kỳ vọng của người dân tương lai".

"Họ sẽ viết lên chương tiếp theo về cách mà chúng ta, hai nước cựu thù, cùng nhau vượt lên quá khứ, đồng thời xây dựng nền tảng cho một tương lai mới tốt đẹp hơn. Thành công của chúng ta sẽ là tấm gương cho người dân tương lai và cho thế giới", ông Patrick nhấn mạnh.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm