Thử thách của tân Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp
(Dân trí) - Ngay khi lên nắm quyền, tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đối mặt thách thức lớn trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc chính trị tại quốc hội, thực trạng bùng nổ dưới thời người tiền nhiệm Elisabeth Borne.
Nước Pháp đã có Thủ tướng mới trẻ nhất trong lịch sử vào ngày 9/1 khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định chọn đồng minh thân cận là ông Gabriel Attal lên nắm quyền thay thế bà Elisabeth Borne, nữ Thủ tướng bất ngờ tuyên bố từ chức chỉ một ngày trước đó.
Là một cựu phát ngôn viên nổi tiếng của chính phủ Pháp và là nhà truyền thông chính trị bậc thầy, ông Attal được chọn nhằm mục tiêu đồng hành nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống Macron.
Thực tế cho thấy việc bổ nhiệm lần này là bước đầu tiên trong một cuộc cải tổ rộng hơn dự kiến sẽ diễn ra tuần này, khi ông Macron tìm cách củng cố đội ngũ cho 3 năm tiếp theo của nhiệm kỳ thứ hai đầy khó khăn với tỷ lệ ủng hộ đang giảm sút nghiêm trọng.
Ông Attal có thể gặp rào cản lớn ở quốc hội
Tuy nhiên, cũng giống người tiền nhiệm Borne, tân Thủ tướng Attal rõ ràng nhận thấy, quốc hội sẽ là rào cản lớn đối với các hoạt động chính trị của ông.
Khi tân Thủ tướng Attal vội vã thực hiện chuyến đi đầu tiên tới phía bắc Pas-de-Calais để đánh giá thiệt hại do lũ lụt gây ra đồng thời trấn an những người dân đang gặp khó khăn cũng như các chính trị gia địa phương vào hôm 9/1, chuyến đi này rõ ràng là tượng trưng cho những thách thức đang chờ đợi ông.
Thực tế, giờ mới là điểm mở đầu cho những thách thức đè nặng trên vai vị thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại.
Nhiệm vụ đầu tiên của ông là bổ nhiệm một chính phủ mới trong tuần này theo mong muốn của Tổng thống Macron để xác định xem liệu chính phủ mới sẽ nghiêng hẳn về cánh hữu hay cân bằng với một số nhân vật cánh tả. Thủ tướng Attal dự kiến sẽ tiếp tục chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron, vốn thiên về cánh hữu khi nhà lãnh đạo này tìm cách thu hút các cử tri bảo thủ trong nỗ lực chống lại sự trỗi dậy mạnh mẽ từ phe cực hữu của bà Marine Le Pen.
Chính phủ mới cũng phải cho thấy được sự cân bằng giới tính, trong đó phụ nữ giữ các vai trò cấp cao trong chính phủ. Ông Attal tiếp quản vị trí thủ tướng từ bà Borne, nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Pháp, và tuyên bố từ chức bất ngờ của bà là "lời cảnh báo" vẫn còn nhiều việc phải làm vì sự bình đẳng.
Vấn đề tuổi tác của Thủ tướng Attal được coi là lợi thế, nhưng cũng có thể tạo ra thách thức, nhất là khi người tiền nhiệm Borne được đánh giá cao về khả năng thiết lập đối thoại xã hội và kiến thức rộng. Hơn nữa, việc thành lập chính phủ mới không phải là điều dễ dàng, bởi ông Attal sẽ phải áp đặt quyền lực của mình đối với các đối thủ nặng ký trong chính phủ.
Tân Thủ tướng cũng sẽ phải giải quyết tất cả các vấn đề hóc búa liên quan luật nhập cư, vấn đề người tị nạn, tình trạng thất nghiệp gia tăng...
Nhưng thử thách thực sự của Attal chỉ đến khi ông đưa những dự án chính trị của mình ra bỏ phiếu tại quốc hội trong những ngày tới.
Mặc dù ông Attal cam kết sẽ ưu tiên vấn đề kinh tế, giới trẻ, cải thiện chế độ đãi ngộ công việc và giáo dục, những vấn đề rất hợp lòng cử tri, nhưng vị tân thủ tướng được cho là sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự như người tiền nhiệm trong việc thông qua các dự luật tại quốc hội.
Kể từ khi những người theo chủ nghĩa trung dung của Tổng thống Macron mất đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2022, nguy cơ bế tắc đã rình rập thủ tướng khi đó là bà Borne, nhân vật đã "sống sót" sau nhiều cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đã hơn 20 lần bị buộc phải sử dụng một biện pháp hiến pháp đặc biệt để thông qua luật mà không cần quốc hội bỏ phiếu.
Kế hoạch tăng tuổi hưu không được lòng dân của Tổng thống Macron cũng được thông qua mà không cần bỏ phiếu vào năm 2023 đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố. Gần đây hơn, một luật nhập cư theo đường lối cứng rắn đã được thông qua, kết hợp nhiều ý tưởng về cánh hữu và được đảng của bà Le Pen coi là một "chiến thắng về mặt ý thức hệ".
Tranh cãi về luật nhập cư vẫn chưa kết thúc. Trong tháng này, ông Attal sẽ kế thừa một dự luật mới như đã cam kết về quyền tiếp cận y tế khẩn cấp cho người nước ngoài không có giấy tờ, điều mà những người chỉ trích của phe cánh tả cho rằng có thể khiến cho cánh hữu phải "đứng ngồi không yên". Hiện vẫn chưa rõ quan điểm cá nhân của Thủ tướng Attal về vấn đề này như thế nào.
Thách thức cuối cùng đối với tân Thủ tướng Attal trong những tháng tới là nỗ lực kiềm chế khả năng chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong tháng 6 tới.
Ông Macron kiên quyết ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) bằng cam kết khôi phục niềm tin của người dân Pháp vào EU và niềm tin vào các dự án châu Âu. Nhưng đảng của bà Marine Le Pen, vốn là đảng đối lập lớn nhất trong quốc hội Pháp, lại là phe ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Pháp, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và ưu tiên kiểm soát nhập cư, đặc biệt với các nước theo đạo Hồi.
Vì vậy, cuộc bỏ phiếu vào tháng 6 tới sẽ được đánh giá chính là "bài kiểm tra giữa kỳ" về khả năng kiềm chế phe cực hữu của Tổng thống Macron.
Một trong những lý do chính khiến tân Thủ tướng Attal được Tổng thống Macron "chọn mặt gửi vàng" là vì ông là một trong những chính trị gia được yêu thích nhất ở Pháp, một kiểu người giao tiếp điềm tĩnh và khéo léo và luôn nhận được sự ủng hộ của cử tri nhờ lối nói chuyện cởi mở về cuộc đời mình, bao gồm cả trải nghiệm bị bắt nạt khi còn là một thiếu niên.
Nhưng nếu ông Attal gần đây đứng thứ ba trong danh sách các chính trị gia mà người Pháp muốn uống bia cùng (bà Le Pen ở vị trí thứ hai) thì thách thức của ông giờ đây nằm ở "hậu trường". Ông phải tập hợp các nhóm trung dung đang bị chia rẽ của Tổng thống Macron, vốn bất đồng với luật nhập cư gần đây, đồng thời phải kêu gọi các nghị sĩ quốc hội thông qua luật.
Ông Benjamin Lucas, nghị sĩ đảng Xanh, cho biết việc bổ nhiệm tân Thủ tướng Attal là một "sự thay đổi vai trò" như mục đích của ông Macron. Tổng thống Pháp muốn dựa vào năng lượng và cam kết của ông Attal để thực hiện các tham vọng theo "tinh thần của năm 2017".
Ông Attal cũng chính là động lực mới giúp Tổng thống Macron tạo ra năng lượng trước thềm cuộc "đối thoại Tổng thống với người dân", dự kiến trong tháng 1 này. Và điểm đặc biệt là tân Thủ tướng Attal nổi tiếng rất thân thiết và trung thành với người đứng đầu nước Pháp. Đây là một tiêu chí quan trọng, sau nhiều tháng khó khăn trong mối quan hệ giữa ông Macron và bà Borne.