1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ phạm đánh bom, thảm sát tại Na Uy khai động cơ tội ác

(Dân trí) - Anders Behring Breivik, kẻ tình nghi trong 2 vụ tấn công đẫm máu nhất ở Na Uy kể từ sau Thế chiến II, đã thừa nhận thực hiện cả hai vụ tấn công “để cứu châu Âu khỏi bị một cuộc chiếm đóng của Hồi giáo”, nhưng không nhận là phạm tội.

 

Thủ phạm đánh bom, thảm sát tại Na Uy khai động cơ tội ác - 1

Breivik cũng khai đang làm việc cho 2 tổ chức khác nhau.

Nghi can Anders Behring Breivik, hôm qua đã xuất hiện trước tòa lần đầu tiên trong vụ xử kín tại Oslo. Sau cuộc thẩm cung, Thẩm phán của tòa án Oslo, Kim Heger, cho biết trước toà rằng thái độ của Breivik “rất bình tĩnh”. Tên này khai hắn tin là hành động của y là “tàn ác” nhưng cần thiết để mang lại một cuộc “cách mạng” trong xã hội Na Uy.

Nghi phạm nói hắn muốn “cứu châu Âu” khỏi bị một cuộc chiếm đóng của Hồi giáo. Breivik đã xả súng vào đám đông thanh niên trên đảo Utoeya là để “ngăn không cho các tổ chức Hồi giáo tuyển người”.

Breivik cũng khai đang làm việc cho 2 tổ chức khác nhau.

Tòa án đã ra lệnh giam giữ Breivik 8 tuần, trong đó có biệt giam 4 tuần lễ đầu tiên. Vị thẩm phán cho biết những biện pháp vừa kể là cần thiết để ngăn chặn nghi can tiếp xúc với thế giới bên ngoài và có thể làm trệch hướng điều tra của cảnh sát.

Trước đó, Breivik đã đòi mở cuộc xét xử công khai và chuẩn bị mang một bộ đồng phục hầu tòa. Tuy nhiên, cảnh sát Na Uy phản đối việc cho phép Breivik công khai phát biểu những ý tưởng cực hữu của mình.

Trong khi đó, cuộc điều tra của cảnh sát đã xác nhận một trong các mục tiêu của Anders Breivik có khả năng là cựu Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Bruntlann, người được gọi là "người mẹ của dân tộc", và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Cảnh sát Na Uy cũng đã thống kê lại tổng số người chết trong cuộc nổ súng và đánh bom hôm 22/7, hạ thấp số người chết xuống còn 76 người.

Cảnh sát cho biết tay súng đã hạ sát 68 người trên đảo Utoeya, nơi hằng trăm người trẻ tụ tập để tham dự trại hè do đảng Lao Động cầm quyền tổ chức, cho rằng con số được công bố trước đây quá cao vì tình trạng hỗn độn tại hiện trường.

Cảnh sát cũng nâng số người chết trong một vụ đánh bom xe tại quận chính phủ Oslo lên 8 người.

Thẩm phán Kim Heger đã quyết định phiên toàn hôm qua là một phiên xử kín để xem xét yêu cầu của cảnh sát Na Uy. Dù đã chính thức nhận tội, nhưng trước mắt, Tư pháp và cảnh sát Na Uy còn phải tiến hành điều tra trước khi chính thức truy tố.

Vào lúc nghi phạm chuẩn bị ra trình diện tòa án, nhiều người đã lên tiếng đòi Na Uy sửa đổi hình phạt tối đa: hiện nay, án tù tối đa chỉ giới hạn ở mức 21 năm tù và nhiều người coi đây là một bản án quá nhẹ đối với thủ phạm loạt tấn công đẫm máu cuối tuần trước.

Ngoài ra, một câu hỏi khác đang dấy lên liên quan đến sự chậm trễ của cảnh sát Na Uy trong việc vô hiệu hóa hung thủ: hôm 22/7, phải đợi đến 1 tiếng đồng hồ sau khi báo động được phát đi từ đảo Utoeya, cảnh sát mới bắt đầu đổ bộ lên hòn đảo này.

Để giải thích cho sự chậm trễ nói trên, cảnh sát Oslo nêu lên lý do là toàn bộ các lực lượng cảnh sát đã phải điều động đến khu gần văn phòng thủ tướng cách đảo này gần 40 km, nơi vừa xảy ra vụ đánh bom làm 8 người chết và gây nhiều thiệt hại vật chất.

Nhật Mai
Theo AFP, BBC