1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin có thể không bao giờ được tiết lộ từ cuộc gặp Trump-Kim

(Dân trí) - Giới chuyên gia lo ngại, những ghi chép không đầy đủ về cuộc họp kín giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cùng những điều không bao giờ được tiết lộ, có thể gây cản trở cho các cuộc đối thoại về sau giữa Washington và Bình Nhưỡng.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Những ghi chép không đầy đủ

Ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore. Sau màn bắt tay lịch sử và trao đổi ngắn với truyền thông, hai nhà lãnh đạo đã lui vào bên trong phòng họp riêng, nơi chỉ có họ và hai người phiên dịch.

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, không phải tất cả các trao đổi của hai nhà lãnh đạo được ghi lại đầy đủ.

Suzanne DiMaggio, người có vai trò thúc đẩy các cuộc trao đổi chính thức đầu tiên giữa giới chức Triều Tiên và chính quyền Tổng thống Trump hồi năm ngoái, gần đây nói rằng nếu không có sự tham gia của các trợ lý, ông Trump có thể sẽ "cho nhiều hơn nhận", nói cách khác sẽ đưa ra nhiều nhượng bộ hơn với Triều Tiên.

Mặc dù về cơ bản các trao đổi giữa ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ được ghi lại, nhưng cũng có thể sẽ không được ghi chép toàn bộ.

Trả lời phỏng vấn Business Insider, Catherine Killough, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là học giả tại Tổ chức an ninh toàn cầu Ploughshares Fund, cho rằng rủi ro lớn nhất của một cuộc gặp 1 đối 1 giữa ông Trump và ông Kim Jong-un là các tuyên bố sẽ không được ghi lại đầy đủ.

Các chuyên gia lo ngại, khi không có một biên bản cuộc họp đầy đủ, hai nhà lãnh đạo có thể bước khỏi phòng họp nhưng với niềm tin vào 2 thỏa thuận khác nhau. Điều này có thể sẽ cản trở các cuộc đối thoại tiếp theo trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang tìm cách thu hẹp bất đồng.

Ông Trump “cho nhiều hơn nhận”?


Tổng thống Trump bác bỏ ý kiến cho rằng ông đã cho nhiều hơn nhận trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un. (Ảnh: Nhà Trắng)

Tổng thống Trump bác bỏ ý kiến cho rằng ông đã cho nhiều hơn nhận trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un. (Ảnh: Nhà Trắng)

Nhiều ý kiến cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm qua là một thắng lợi lớn của ông Kim Jong-un, trong khi đó, ông Trump được cho là "cho đi nhiều hơn nhận lại".

Theo các chuyên gia, cuộc họp lịch sử này đã giúp nâng cao vị thế của Triều Tiên cũng như của ông Kim Jong-un trên trường quốc tế. Điều này càng rõ hơn khi ông nhận được lời ca ngợi từ một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Sau cuộc họp, Tổng thống Trump đã khen ông Kim Jong-un là người tài năng, đáng tin cậy.

Ngoài những lời khen ngợi, ông Trump cũng đưa ra nhượng bộ lớn khi tuyên bố Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và cân nhắc rút quân khỏi quốc gia đồng minh này. Cam kết này có thể tạo cú sốc với các đồng minh châu Á vốn phụ thuộc nhiều vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ, cũng như làm giảm vai trò chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Ông Trump nói, cam kết này là để đổi lại việc Triều Tiên phá hủy bãi thử tên lửa, nhưng thực tế đó là điều mà Triều Tiên đã làm trước khi hội nghị xảy ra và có phần không tương xứng với nhượng bộ của Mỹ.

Trong khi đó, ông Kim Jong-un chỉ đưa ra cam kết chung chung về giải trừ hạt nhân, thay vì khẳng định giải trừ "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" như yêu cầu trước đó của Washington. Đây là cam kết mà giới chuyên gia cho rằng không hề mới, chỉ đơn thuần nhắc lại cam kết mà Bình Nhưỡng đưa ra tại hội nghị liên Triều hồi tháng 4.

Truyền thông Triều Tiên hôm nay thậm chí nói rằng, trong hội nghị, Tổng thống Trump đã nhất trí dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên, đồng thời đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Giới chức Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin này, song trong cuộc họp báo, ông Trump khẳng định chưa dỡ bỏ trừng phạt với Triều Tiên.

Minh Phương

Theo Washington Post, Business Insider