1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp của Tổng thống Putin từ cây cầu xuyên biển nối Crimea

(Dân trí) - Việc khánh thành cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea không chỉ giúp tăng cường liên kết kinh tế trên lãnh thổ Nga mà còn được xem là sự kiện lịch sử thể hiện tầm nhìn của Tổng thống Vladimir Putin.

nga 10

Cầu nối đất liền Nga và Crimea nhìn từ trên cao (Ảnh: Sputnik)

Trong bộ trang phục đơn giản với quần jean và áo khoác, Tổng thống Putin đứng ở phần đầu của cây cầu 4 làn nối đất liền Nga với bán đảo Crimea trong lễ khánh thành diễn ra hôm qua 15/5. Đứng cạnh nhà lãnh đạo Nga là nhà tài phiệt Arkady Rotenberg - người bạn từng tập judo với Tổng thống Putin và là lãnh đạo của công ty chịu trách nhiệm xây dựng cây cầu được xem là biểu tượng cho 18 năm nắm quyền của ông Putin.

Tổng thống Putin sau đó đã bước lên xe tải Kamaz, ngồi vào ghế lái và dẫn đầu đoàn xe vượt qua cây cầu nối eo biển Kerch. Xe tải Kamaz là sản phẩm của công ty quốc doanh do Sergey Chemezov, một đồng nghiệp cũ của ông Putin tại Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) ở Đông Đức trong thập niên 1980, lãnh đạo. Cả ông Rotenberg và Chemezov đều là những cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Ý nghĩa lịch sử

Thông điệp của Tổng thống Putin từ cây cầu xuyên biển nối Crimea - 2


Tổng thống Putin lái xe tải tại lễ khánh thành cầu nối Crimea (Ảnh: rbth)

Tổng thống Putin lái xe tải tại lễ khánh thành cầu nối Crimea (Ảnh: rbth)

Cây cầu dài 19km nối liền khu vực Krasnodar của Nga với bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập từ năm 2014 hiện là cây cầu dài nhất châu Âu. Lễ khánh thành cây cầu này được xem là sự kiện đánh dấu “thời khắc tái thống nhất” của Crimea với Nga. Ngoài ra, cây cầu nối Nga - Crimea cũng được nhìn nhận như một biểu tượng cho tình trạng bị cô lập của Nga trên trường quốc tế.

Sau khi Tổng thống Putin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga cách đây 4 năm, Nga đã phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây. Các biện pháp trừng phạt này cho đến nay vẫn được duy trì và ngày càng mở rộng thêm sau khi Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Putin vẫn coi việc hoàn thiện cây cầu nối với Crimea là ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự.

Phát biểu tại lễ khánh thành cầu nối đất liền Nga - Crimea, Tổng thống Putin nhấn mạnh “điều kỳ diệu đã trở thành hiện thực” và gọi đây là công trình “lịch sử theo đúng nghĩa”. Ông cảm ơn những người đã góp công làm nên cây cầu được chờ đợi từ rất lâu này.

“Đây là công trình lịch sử vì trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, thậm chí từ thời Nga hoàng, người dân chúng ta đã mơ về một cây cầu, sau đó giấc mơ này quay trở lại trong những năm 1930 của thế kỷ trước, rồi đến những năm 1940, những năm 1950, và cuối cùng, nhờ vào tinh thần lao động và tài năng của các bạn, dự án này, điều kỳ diệu này đã trở thành hiện thực”, Tổng thống Putin phát biểu trước các công nhân xây dựng cầu.

Ông Putin khẳng định việc xây dựng cây cầu nối Crimea “là một thành tựu vĩ đại đưa Crimea và vùng Sevastopol huyền thoại trở nên hùng mạnh hơn và tất cả chúng ta sẽ xích lại gần nhau hơn”.

Liên kết kinh tế

Bản đồ khu vực Crimea (Ảnh: Washington Post)
Bản đồ khu vực Crimea (Ảnh: Washington Post)

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, sau khi được thông xe, cây cầu được thiết kế với hai phần đường bộ và đường sắt có thể đón 40.000 lượt ô tô mỗi ngày, vận chuyển 14 triệu hành khách và 13 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Mặc dù hệ thống đường ray trên cầu vẫn chưa được hoàn thiện cho tới năm 2019, song ước tính trong tương lai sẽ có khoảng 94 chuyến tàu được lưu thông mỗi ngày.

Đối với người dân sống trên bán đảo Crimea, họ xem cây cầu là đường giao thông huyết mạch, nối vùng lãnh thổ đang bị cô lập và hứng chịu hàng loạt lệnh cấm vận từ phương Tây với đất liền Nga. Nếu như trước đây Nga phải chuyển các hàng hóa tới Crimea bằng tàu thuyền thì nay, các hoạt động vận chuyển đã diễn ra thuận tiện hơn rất nhiều nhờ cây cầu, từ đó giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cũng như giảm sự phụ thuộc vào giao thông đường thủy.

Đưa tin về sự kiện khánh thành cầu hôm qua, truyền thông Nga cho biết cây cầu sẽ giúp đưa thêm nhiều khách du lịch tới Crimea và giúp làm giảm giá lương thực tại bán đảo này. Trước đây các hành khách muốn di chuyển qua lại giữa Nga và Crimea phải lựa chọn đi bằng máy bay hoặc phà, song điều này gây ra không ít bất tiện, đặc biệt vào mùa đông khi phà không phải là phương tiện tối ưu.

“Cây cầu này sẽ giúp phát triển kinh tế của Crimea và Sevastopol với tốc độ phát triển mới và với chất lượng mới, đồng thời nâng cao mức sống của người dân”, Tổng thống Putin phát biểu tại lễ khánh thành cầu.

Công trình biểu tượng

Cận cảnh cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea

Ngoài ý nghĩa về liên kết kinh tế, việc mở ra một cây cầu nối liền Crimea cũng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Mỹ và nhiều nước cho đến nay vẫn không thừa nhận việc Nga sáp nhập Crimea và các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow dường như sẽ không được dỡ bỏ trong tương lai gần.

Dự án xây dựng cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea được khởi công từ tháng 2/2016. Vào cuối năm đó, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào 7 công ty có liên quan tới dự án xây cầu. Điều này đã đặt ra không ít khó khăn cho Tổng thống Putin trong quá trình hoàn thiện công trình.

Đối với chính quyền Nga, việc sáp nhập bán đảo Crimea và xây dựng cây cầu nối Nga - Crimea là một biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước. Theo Washington Post, lễ khánh thành cây cầu là sự kiện bước ngoặt trong nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm chứng minh với thế giới, và cả người dân Nga, rằng việc Nga sáp nhập Crimea là “không thể đảo ngược”. Như ông Putin từng tuyên bố, câu chuyện sáp nhập Crimea đã khép lại và Crimea sẽ không bao giờ quay trở về Ukraine.

Ngoài cây cầu nối với Crimea, Tổng thống Putin cũng đang lên kế hoạch để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác nhằm nâng cao vị thế của nước Nga. Năm ngoái, ông Putin đã công bố kế hoạch xây một cây cầu nối với Sakhalin, một hòn đảo giàu tài nguyên ở vùng cực Đông của Nga gần phía bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản. Dự án này có thể mang lại nhiều tác động rất lớn về kinh tế.

“Nếu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên và Hàn Quốc để kết nối hệ thống đường sắt của Hàn Quốc với tuyến đường sắt xuyên qua Siberia, đồng thời xem xét dự án xây cầu nối Sakhalin và Hokkaido, đây sẽ là những dự án có quy mô toàn cầu, mang lại những thay đổi rất lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng điện cũng như trong lĩnh công nghệ cao”, Tổng thống Putin cho biết năm 2017.

Thành Đạt

Theo TASS, Washington Post