1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thông điệp của Mỹ khi đưa "mắt thần" tới vùng cấm bay của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ gần đây triển khai các máy bay trinh sát theo dõi quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh và nguy cơ leo thang xung đột quân sự.

Thông điệp của Mỹ khi đưa mắt thần tới vùng cấm bay của Trung Quốc - 1

Máy bay trinh sát U-2 của Mỹ (Ảnh: SCMP)

Việc Mỹ triển khai các máy bay trinh sát diễn ra sau nhiều tuần Washington gia tăng các hoạt động trong khu vực, bao gồm đưa nhiều máy bay và tàu quân sự để theo dõi chặt chẽ động thái của Trung Quốc.

Sáng kiến Theo dõi Biển Đông, cơ sở nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết một máy bay trinh sát RC-135S của Không quân Mỹ đã bay qua Biển Đông vào ngày 26/7 trong thời gian diễn ra cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, máy bay này dường như thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, thay vì hoạt động trinh sát.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho biết một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã bay qua vùng cấm bay, nơi quân khu phía Bắc của quân đội Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật.

“Máy bay Mỹ đã gây cản trở nghiêm trọng các hoạt động diễn tập bình thường (của Trung Quốc)... Vụ việc có thể dễ dàng dẫn tới sự phán đoán sai lầm, thậm chí có thể dẫn tới các vụ tai nạn trên không và trên biển”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc tiết lộ máy bay trinh sát tầm cao U-2 của Mỹ xuất phát từ một căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, bay qua vịnh Bột Hải - nơi tàu sân bay của Trung Quốc đang tham gia tập trận.

Máy bay U-2 có thể hoạt động ở độ cao hơn 21.000 mét, thực hiện các chuyến bay trinh sát cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết để thu thập thông tin tình báo.

Theo Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc, các cuộc tập trận bắn đạn thật đang diễn ra tại các vùng biển ở ngoài khơi bờ biển đông bắc Trung Quốc, trải dài từ vịnh Bột Hải tới Hoàng Hải.

Quân đội Mỹ cho biết chuyến bay của máy bay trinh sát U-2 được thực hiện “phù hợp với các quy tắc và luật lệ quốc tế”, đồng thời tuyên bố không quân Mỹ sẽ tiếp tục “hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép” với thời gian và tần suất do Mỹ tự quyết định.

Thông điệp của Mỹ

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá đang ở mức thấp chưa từng có, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “đối đầu” nhau trên nhiều mặt trận. Trên mặt trận quân sự, lực lượng hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động gần Đài Loan và trên Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách phi lý của Bắc Kinh.

Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Mỹ đã gửi đi một thông điệp khi triển khai máy bay trinh sát U-2 tới vùng cấm bay - nơi Trung Quốc tập trận bắn đạn thật.

“Bằng việc đưa U-2 tới vùng cấm bay của Trung Quốc, Mỹ muốn nói với Trung Quốc rằng luật chơi không do Trung Quốc quyết định và “Tôi có thể đến nếu tôi muốn””, ông Liu nhận định.

“Tuy nhiên máy bay này không phải là máy bay trinh sát hiện đại nhất và cũng không phải là máy bay chiến đấu tấn công. Các hoạt động do thám tương tự của Mỹ cũng đã xảy ra nhiều lần trước đây. Nhưng tôi nghĩ lần này có thể là động thái chính trị, thể hiện rằng Mỹ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn mà không bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc cản trở”, chuyên gia Liu cho biết thêm.

Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói với Global Times rằng, việc máy bay trinh sát U-2 đi vào các khu vực cấm bay được Trung Quốc thiết lập để phục vụ tập trận có nguy cơ khiến máy bay này bị bắn rơi nhầm.

Theo ông Song, nếu máy bay U-2 đi vào không phận của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc có quyền bắn hạ. Thậm chí, ngay cả khi chưa xâm phạm không phận Trung Quốc mà mới chỉ đi vào vùng cấm bay do Trung Quốc thiết lập và thông báo từ trước, máy bay của Mỹ vẫn có nguy cơ bị bắn hạ.

“Nếu máy bay (của Mỹ) bị bắn rơi trong cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân (Trung Quốc), đó sẽ là rắc rối rất lớn. Mâu thuẫn chắc chắn sẽ xảy ra nếu khoảng cách không được duy trì”, chuyên gia Trung Quốc Hu Bo nhận định.