1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thời làm ăn khốn khó của giới buôn ngọc ở Myanmar

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà kinh doanh ngọc ở Myanmar vừa phải tránh vòng vây của chính quyền quân đội, vừa phải né các cuộc tấn công của phe nổi dậy, khi ngành công nghiệp hàng tỷ USD này gặp khó khăn hậu đảo chính.

Thời làm ăn khốn khó của giới buôn ngọc ở Myanmar - 1

Các phụ nữ làm việc tại xưởng ngọc bích ở vùng Sagaing, Myanmar hôm 10/10 (Ảnh AFP).

Các cuộc giao tranh xung quanh mỏ ngọc bích Hpakant, mỏ ngọc lớn nhất thế giới, ở phía bắc bang Kachin, miền bắc Myanmar, đã khiến hoạt động khai thác đá quý ở đây vốn đã khốn đốn do đại dịch càng thêm trì trệ. Và hệ quả là, nguồn cung của một trong những mặt hàng xuất khẩu béo bở nhất của nước này bị cắt giảm nghiêm trọng. 

Myanmar là nguồn cung cấp ngọc bích lớn nhất thế giới, với nguồn khách hàng khổng lồ từ nước láng giềng Trung Quốc. Hầu hết ngọc bích được chuyển qua thành phố lớn thứ hai của nước này là Mandalay, nơi có ngôi chùa Phật giáo Kyauksein cao 23 m, được xây dựng từ hàng nghìn kg đá quý. Giờ đây, khu phức hợp này yên tĩnh lạ thường và thỉnh thoảng chỉ có một số ít người đến đây cầu nguyện.

"Công việc kinh doanh không tốt chút nào", một nhà kinh doanh ngọc bích, vốn đã phải tìm cách bán ngọc bên lề đường ở Mandalay khi đại dịch và những bất ổn đã khiến chợ ngọc chính của thành phố phải đóng cửa, cho biết.

"Thỉnh thoảng, mọi người hoảng sợ khi binh lính đi tuần tra và họ bỏ chạy... Nếu một người chạy, những người khác cũng chạy theo. Sau đó, binh sĩ bắn cảnh cáo để kiểm soát tình hình", người này nói thêm.

Hai ngày sau, thị trường mở cửa trở lại và các nhà chức trách bắt đầu thu phí. Theo Cơ quan giám sát Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness), "gần như không thể" mua ngọc bích Myanmar nếu không nộp thêm một khoản phí nào đó. Và trong bối cảnh làn sóng chống chính quyền quân đội lan mạnh, công việc làm ăn này đang đối mặt với mối nguy hiểm mới.

"Nếu bạn tiếp tục kinh doanh, chúng tôi cảnh báo mạnh mẽ rằng, tính mạng của các bạn đang gặp nguy hiểm", nội dung thông báo do Generation Z Power, nhóm vũ trang nổi dậy ở địa phương, đưa ra vài ngày trước khi chợ ngọc mở lại.

Lo sợ các vụ nổ bom

Một quả bom đã phát nổ gần khu chợ một tuần sau khi các thương nhân quay trở lại ở Mandalay. Mặc dù không gây thương vong, những kẻ cực đoan cảnh báo sẽ tiếp tục đánh bom nếu mọi người vẫn tiếp tục mua bán ở đó.

Bắc Kinh đã đóng cửa biên giới với Myanmar vì đại dịch và giao tranh lẻ tẻ dọc biên giới, nhưng nhu cầu ngọc vẫn rất lớn. Khách hàng từ Trung Quốc đang viện lý do tình trạng bất ổn để ép giá.

"Vì đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị, họ trả giá rất thấp", một nhà đại lý buôn ngọc 62 tuổi giấu tên cho biết. "Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi cần bán. Nếu họ không mua hoặc nếu chúng tôi không bán, chúng tôi không có nơi nào để làm ăn kinh doanh", ông nói thêm.

Trước khi xảy ra đảo chính, 70-90% tổng số ngọc bích khai thác ở Hpakant bị buôn lậu sang Trung Quốc và không được báo cáo chính thức, theo Global Witness. Hanna Hindstrom, nhà vận động cấp cao cho Myanmar tại Global Witness, cho biết kể từ khi giao tranh bùng phát xung quanh các mỏ, các số liệu ngầm thậm chí còn bí ẩn hơn.

"Chúng tôi nghe nói giá cả ở Trung Quốc đã tăng do nhu cầu cao và nguồn cung giảm", bà cho biết thêm.

Đối với Thandar, người điều hành một xưởng sản xuất ngọc bích nhỏ ở Mandalay, việc bán những món đồ bình thường của mình cho khách hàng địa phương càng trở nên nguy hiểm hơn. "Tất cả chúng tôi đều sợ nguy cơ đánh bom... nhưng chúng tôi không thể không đến đó mua bán vì mưu sinh", cô nói.

Truyền thông địa phương đưa tin, một vụ nổ thứ hai đã xảy ra ở khu chợ vào hôm 30/10, khiến các thương nhân đá quý bỏ chạy tán loạn. Một cảnh sát thiệt mạng trong vụ nổ này.

Nhà chức trách ngay lập tức thông báo cấm các cửa hàng trong khu chợ mở cửa trở lại cho đến ngày 5/11.