Thoả thuận Minsk bị phá vỡ: Nguy cơ trừng phạt trả đũa tiếp diễn
Các vụ đụng độ tiếp tục xảy ra, chính phủ Ukraine cho biết sẽ không rút vũ khí hạng nặng nếu lệnh ngừng bắn tiếp tục vi phạm và có thể đẩy thỏa thuận hòa bình do châu Âu làm hòa giải đang trên bờ vực sụp đổ.
Một binh sỹ của quân đội chính phủ Ukraine đang đứng canh gác gần khu vực Debaltseve (ảnh: FT)
Các cuộc giao tranh giữa chính phủ và lực lượng đối lập tại nhiều khu vực ở miền Đông Ukraine bắt đầu giảm theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được tuần trước trong các cuộc đối thoại gấp rút giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, giao tranh vẫn diễn ra tại Debaltseve và một số khu vực xung quanh. Ít nhất 6 xe tăng cũng như các vũ khí hạng nặng đạn pháo hiện diện khắp mọi nơi tại Debaltseve.
Lực lượng đối lập cho biết, quân đội Ukraine đã vi phạm lệnh ngừng bắn 27 lần trong 24 giờ qua. Chính phủ Kiev cũng thừa nhận miền Đông đã bị nã pháo hơn 100 lần kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Trong khi đó, quân đội Ukraine khẳng định không thể rút vũ khí khi lệnh ngừng bắn tiếp tục bị vi phạm, còn lực lượng đối lập cũng tuyên bố sẽ chỉ rút vũ khí khi chính phủ Ukraine cùng rút.
Trong một động thái làm phức tạp thêm những hy vọng về hòa bình tại miền Đông Ukraine, lực lượng đối lập cho biết sẽ rút khỏi thỏa thuận Minsk nếu chính phủ Ukraine không từ bỏ lập trường hướng đến gia nhập NATO, đồng thời đề nghị quân đội Ukraine thành lập một hành lang an toàn ra khỏi Debaltseve nếu họ từ bỏ vũ khí.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Kiev bác bỏ khả năng này. Các quan sát viên của phái bộ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, lệnh ngừng bắn không được thực hiện tại thành phố Donetsk.
Quan sát viên của OSCE Alexander Hug cho biết: “Phái bộ đang đánh giá tình hình. Về cơ bản là lệnh ngừng bắn vẫn được giữ vững, nhưng các vụ đụng độ vẫn tiếp tục xảy ra. Liên quan đến khu vực Debaltseve, chúng tôi chỉ nghe các báo cáo về những cáo buộc có các vụ đụng độ và nã pháo xảy ra. Điều quan trọng đó là phái bộ cần được tiếp cận khu vực vào ngày mai”.
Trước những diễn biến tại Ukraine, nhiều nước bày tỏ lo ngại khả năng thỏa thuận hòa bình Ukraine vừa đạt được đang trên bờ vực sụp đổ. Mỹ ngày 16/2 bày tỏ lo ngại đặc biệt về các cuộc giao tranh xung quanh thị trấn Debaltseve tại miền đông Ukraine sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực cuối tuần qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên dừng ngay tất cả các vụ tấn công. Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng với Tổng thống Pháp bày tỏ lo ngại về các cuộc giao tranh đang diễn ra và hối thúc các quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu được tiếp cận đầy đủ với khu vực này.
Trong khi thỏa thuận ngừng bắn đang có nguy cơ đổ vỡ, các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine là Nga và châu Âu tiếp tục cảnh báo đưa ra các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Nga ngày 16/2 tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine và chỉ trích các biện pháp này là “mâu thuẫn và vô lý”.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Những quyết định như vậy sẽ kéo theo một sự đáp trả thích đáng. Nga nhận thấy sự mâu thuẫn và vô lý trong các lệnh trừng phạt này ở chỗ mỗi khi xuất hiện một hy vọng về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, EU lại vội vã đưa ra các lệnh trừng phạt mới chống Nga”.
Theo Phạm Hà/VOV- Trung tâm Tin Tổng hợp