1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Giá dầu sẽ giảm trong trung hạn?

(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 13/7, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2015 sẽ tăng khoảng 1,28 triệu thùng/ngày, tương đương với 100.000 thùng/ngày. Theo đó, giá dầu có thể tăng lên tương ứng.

Một nhà máy lọc dầu tại Tehran (Ảnh:
Một nhà máy lọc dầu tại Tehran (Ảnh: NYTimes)
 
Tuy nhiên, ngay sau khi Iran và Nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đạt thỏa thuận “lịch sử” về vấn đề hạt nhân, thì giá dầu thế giới đã giảm gần 2%. Giới quan sát có những dự báo khác nhau, khiến dư luận quan tâm.

Từ phản ứng của thị trường…

Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được công bố, giá dầu Brent trên thị trường London giảm 1,10 USD/thùng (1,9%) xuống 56,73 USD/thùng. Tại châu Á, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8 tới giảm 75 cent xuống còn 51,45 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 60 cent xuống 57,25 USD/thùng.

Đến phiên ngày 22/7, dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 8 tiếp tục giảm 1,67 USD, xuống 49,19 USD/thùng. Dầu thô Brent giao cùng kỳ cũng giảm 91 cent, xuống 56,13 USD/thùng. Đến ngày 23/7, giá dầu WTI giao tháng 9 trên sàn NYMEX chỉ còn ở mức 49,19 USD/thùng, giảm 1,67 USD, tương đương 3,3%.

Giá dầu giảm đã tác động mạnh đến thị trường tiền tệ, nhất là các đồng tiền của những quốc gia gắn với dầu mỏ như USD, crown, euro, đô la Canada… Theo đó, đồng crown (Na Uy) giảm 1,1%, xuống còn 8,17 crown/USD, đồng ​đôla Canada giảm 0,4% xuống 1,2796 đôla Canada/USD, đồng euro tăng 0,2% ở mức 1,1021 USD/euro.

Các thị trường chứng khoán đảo chiều đi xuống sau khi sắc xanh đồng loạt vào phiên đầu tuần trước, trong bối cảnh giới đầu tư đã bớt “hưng phấn” trước thỏa thuận đạt được giữa Athens và các chủ nợ.

Chỉ số Euro STOXX 50 của Eurozone đã giảm 0,3% sau khi đạt mức cao trong suốt hai tuần đến ngày 13/7. Chỉ số giá dầu và khí đốt STOXX Europe 600 giảm 0,9% và chỉ số FTSEurofirst 300 liên châu Âu giảm 0,1% sau khi tăng 1,9% trong phiên giao dịch 13/7.

Đến giảm tương đối trong trung hạn…

Các chuyên gia dự báo, hiệu ứng của thỏa thuận giữa nhóm P5+1 và Iran sẽ phải có “độ trễ” ít nhất trong vòng 3 đến 6 tháng, do lực cản của những vấn đề về kỹ thuật của việc xóa cấm vận phải tương ứng với tiến độ “giải giáp” hạt nhân đã được thoả thuận; vấn đề khách hàng và phương thức giao dịch…

Ngoài ra còn phải kể đến việc Iran vẫn coi Mỹ là kẻ thù và Mỹ sẵn sàng tái cấm vận trong vòng 60 ngày nếu Iran có dấu hiệu vi phạm các điều khoản đã ký.

Mặt khác, Iran với tư cách thành viên cảu OPEC họ sẽ không bán ồ ạt, mà tìm cách đạt được một thỏa hiệp về giá cả, để tránh làm giảm giá dầu lửa trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, mức giảm cũng chỉ tương ứng từ 45 đến 50 USD/thùng. Do mức tăng cung dầu thô của Iran cũng chỉ tương ứng với sự sụt giảm sản lượng dầu mỏ từ nguồn đá phiến tại Mỹ do không bảo đảm mức lợi nhuận của các nhà đầu tư và sức ép của sản lượng dầu mỏ từ OPEC với 30 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối năm 2015.

Và sẽ tăng trở lại trong dài hạn… 

Theo dự báo trong năm 2016, nhu cầu dầu sẽ tăng lên 1,34 triệu thùng/ngày tương ứng với mức tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,5%, so với mức tăng 3,2% của năm nay. Vì nguồn cung dồi dào nên giá rẻ vẫn được duy trì ở mức hiện nay có thể cho cả năm sau 2016.

Mặt khác, cũng theo dự báo của OPEC thì sự cân bằng cung - cầu còn do Trung Quốc và các nước đang phát triển gia tăng lượng tiêu thụ song song với nguồn khai thác bị giảm bớt ở Mỹ và Nam Mỹ với mức tăng lên tới 30,07 triệu thùng/ngày năm 2016, nhưng lại giảm còn 29,21 triệu thùng/ngày năm 2017.

Theo kết quả khảo sát từ 30 chuyên gia kinh tế và phân tích dự báo (trước thỏa thuận hạt nhân Iran), thì  giá dầu Brent sẽ đứng ở mức bình quân 74 USD/thùng trong năm 2015 và 80,30 USD/thùng trong năm 2016, vì giá dầu ở mức 60 USD/thùng là đủ ảnh hưởng đến các nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ, họ buộc phải cắt giảm sản lượng để tránh thua lỗ. Do đó, giá bình quân ở mức 68,7 USD/thùng trong năm nay và 74,9 USD/thùng trong năm 2016 đối với thị trường Mỹ và toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng theo giới quan sát, những nhân tố làm tăng giá dầu vẫn tồn tại đó là sự bất ổn tại Lybia gây gián đoạn nguồn cung khoảng 100.000 thùng/ngày. Vì thế, giới đầu tư dự đoán, lượng dư cung dầu toàn cầu sẽ giảm trong nửa cuối năm nay còn do lượng tồn kho dầu của Mỹ công bố hồi tháng 5, cho thấy tốc độ dự trữ dầu thô đang giảm và gần đạt mức cao nhất.

Như vậy, sau một thời gian dài giá dầu tăng lên với mức gần 70 USD/thùng, giờ đây với kết quả của thỏa thuận hạt nhân Iran với Nhóm P5+1 đã làm cho xu thế giảm lại xuất hiện trở lại.

Tuy nhiên, về tổng thể giá dầu có thể có sự giao động khác nhau, nhưng theo các nhà dự báo thì xu hướng giảm chỉ diễn ra trong nửa đầu của năm 2016 và sẽ tăng trở lại vào nửa cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Tuy nhiên, mức giá giao động từ 50 đến 60 USD/thùng cho năm nay và 55 đến 65 USD/thùng năm 2016 là tương đối hiện thực.
 
Nguyễn Nhâm