1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Cơ hội tái định hình Trung Đông

(Dân trí) - Sau 12 năm đàm phán, Iran và nhóm P5+1, gồm Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức, đã đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện. Một chuyên gia Đức đánh giá thỏa thuận này có thể tái định hình khu vực Trung Đông trong thời gian tới.

Các bên thông báo đạt được thỏa thuận (Ảnh:

Các bên thông báo đạt được thỏa thuận (Ảnh: AFP)

Trang tin National Interest của Mỹ cho hay thỏa thuận vừa đạt được cho phép Iran phát triển hạt nhân phục vụ các mục đích phi quân sự, trong khi Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong nhiều năm qua với quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này.

Ông Volker Perthes, Chủ tịch kiêm Giám đốc Stiftung Wissenschaft und Politik thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề ngoại giao và an ninh của Đức đánh giá đây là một thành công ngoại giao lớn. Tuy nhiên, quá trình đàm phán không phải là không bị chỉ trích, từ phía Quốc hội Mỹ, Quốc hội Iran hay từ A-rập Xê-út, Israel và thậm chí là cả Pháp.  

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được những lợi ích mà thỏa thuận hạt nhân toàn diện nêu trên mang lại. Thỏa thuận này cho thấy lãnh đạo các cường quốc, dù vẫn còn bị chia rẽ về nhiều vấn đề như cuộc xung đột ở miền đông Ukraine hay tình trạng căng thẳng tại Biển Đông, vẫn có thể cùng nhau đề ra giải pháp. Thỏa thuận này cũng giảm nguy cơ các quốc gia ở Trung Đông lao vào một "cuộc đua" hạt nhân, trong khi tăng cường vai trò của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Cuối cùng, thỏa thuận lịch sử này sẽ thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Iran với phương Tây.  

Tất nhiên, các quốc gia láng giềng của Iran có những mối quan ngại chính đáng về tác động của thỏa thuận với cán cân quyền lực trong khu vực. Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Tehran sẽ trở nên mạnh hơn và thách thức tầm ảnh hưởng của các quốc gia vùng Vịnh. Để đối phó với vấn đề này, các quốc gia vùng Vịnh sẽ phải tìm kiếm những bảo đảm từ phía Mỹ, trong khi triển khai các chính sách có lợi cho mình ở Yemen hay Syria, nơi các quốc gia vùng Vịnh có những lợi ích chiến lược với Iran. Theo đánh giá, quá trình phát triển của Iran sau khi đạt được thỏa thuận có thể tác động tới tình hình Trung Đông theo hai hướng.

Trong hướng đầu tiên, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 được các quốc gia trong khu vực chào đón, cũng như ủng hộ vai trò của Tehran lớn hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong trường hợp này, Iran sẽ phải "bắt tay" với A-rập Xê-út để thuyết phục rằng Tehran không có ý định tranh giành ảnh hưởng với nước này hay các đồng mình. Điều này cho phép A-rập Xê-út cùng với Iran tăng cường ảnh hưởng tại Syria, qua đó thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ và các nhóm phiến quân. Thỏa thuận đạt được tại Syria sẽ không chỉ mở đường cho việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp mà nó còn giúp ổn định tình hình chính trị quốc gia Trung Đông này và đẩy lùi dần sự hiện diện của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tương tự như vậy, A-rập Xê-út và Iran cũng sẽ chung tay giúp chấm dứt cuộc xung đột tại Yemen bằng một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.  

Trong khi đó, quá trình dỡ bỏ lệnh cấm vận, đồng thời với sự quay trở lại của các công ty nước ngoài sẽ hỗ trợ nền kinh tế "ốm yếu" của Iran. Ngoài ra, thái độ cởi mở với châu Âu và Mỹ cũng sẽ giúp tầng lớp trí thức trung lưu của Iran lựa chọn ở lại đất nước, thay vì xin di cư sang nước ngoài. Cuối cùng, một khả năng trong hướng đầu tiên chính là việc Tổng thống Hassan Rouhani có thể nhân thỏa thuận để giành thêm sự tín nhiệm, tiếp tục quá trình cải cách đất nước, bất chấp những ý kiến chỉ trích. Sau đó, liên minh của Tổng thống Rouhani có thể giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2016 và ông Rouhani tái đắc cử vị trí tổng thống vào năm 2017.

Trong khi đó, hướng phát triển thứ hai của tình hình tại Trung Đông sau khi Iran đạt được thỏa thuận lại chứa đựng nhiều thách thức. Trong trường hợp này, thỏa thuận hạt nhân của Iran được đón nhận trong nước nhưng không gây được tác động mạnh mẽ. Trong khi những người ủng hộ đường lối cải cách của Tổng thống Rouhani muốn cải thiện quan hệ đối ngoại của nước này, những người theo đường lối bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa xung quanh Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei coi thỏa thuận là công cụ cần thiết để xóa bỏ những lệnh trừng phạt kinh tế và tăng cường khả năng quân sự thông thường của nước này.

Sau đó, bất chấp niềm tin của Tổng thống Rouhani về khả năng phát triển quan hệ hữu nghị với các quốc gia láng giềng, những giáo sĩ theo đường lối cứng rắn sẽ liên tục tuyên bố rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là một thông điệp thể hiện sự công nhận của các cường quốc với sức mạnh của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này. Quan điểm này chắc chắn sẽ gây ra những mâu thuẫn, khiến A-rập Xê-út tiếp tục quá trình xây dựng một "liên minh Sunni" nhằm đối phó với ảnh hưởng của Iran và tăng cường các biện pháp cho những chiến dịch tại Yemen hay Syria, hai quốc gia được cho là nơi Iran đang tiến hành chiến tranh ủy nhiệm.

Hơn nữa, với những căng thẳng trong khu vực, tác động kinh tế từ quá trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lại không có hiệu quả như mong đợi, trong khi những người ủng hộ đường lối bảo thủ nhân cơ hội chỉ trích quá trình cải cách. Việc Tổng thống Rouhani và các đồng minh không thể thúc đẩy kinh tế Iran đi lên trong thời gian tới sẽ bị coi là một thất bại có thể tác động tới quá trình bầu cử Quốc hội và lựa chọn tổng thống. Từ đây, những người theo đường lối bảo thủ và cừng rắn sẽ kiểm soát Quốc hội.  

Sau tất cả, A-rập Xê-út, Ai Cập và nhiều quốc gia A-rập theo đường lối cứng rắn sẽ có xung đột lợi ích với Iran, dẫn tới tình trạng căng thẳng liên tục ở Trung Đông. Khi đó, những hy vọng mà thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 mang lại không còn nhiều tác động tới tình hình Trung Đông.

Có thể nói, sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, vai trò của ngành ngoại giao Iran trong thời gian tới sẽ đóng vai trò quan trọng. Nếu ngoại giao giữ được vai trò năng động, thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 của Iran sẽ có tác động tích cực tới tình hình tại Trung Đông.

Ngọc Anh
Theo ProjectSyndicate

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm