1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại Syria?

Tính đến ngày 4-9, sứ mệnh của chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria dường như đã hoàn tất sau khi hoàn toàn làm chủ tuyến hành lang biên giới kéo dài 90km từ thị trấn Azaz về thị trấn Jarablus. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu Ankara có lấn tới và tiếp tục các mục tiêu khác hay rút quân về nước?

Ngày 4-9, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vùng lãnh thổ biên giới trải dài từ Azaz về hướng đông bắc tới Jarabulus đã được giải phóng.

Trước đó hôm 3-9, Thổ Nhĩ Kỳ mở mặt trận thứ hai, khi hàng chục xe tăng Thổ xâm nhập lãnh thổ Syria, tiến vào khu vực chiến lược Al-Rai để yểm trợ cho lực lượng nổi dậy (FSA) chống IS. Al-Rai nằm cách Jarablus chừng 150km về hướng tây, là một phần của hành lang dài 90 km nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến đến biên giới Syria ngày 3-9.
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến đến biên giới Syria ngày 3-9.

Mặt trận mới được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở đã nhanh chóng đem lại những kết quả mong muốn. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đã phải rút lui về phía nam. Một thông cáo của Đài Quan sát nhân quyền Syria ở Anh ngày 4-9 cho biết “IS đã mất liên lạc với thế giới bên ngoài sau khi để mất những làng biên giới còn lại giữa sông Sajur và làng Al-Rai”.

Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực chống IS khởi sự vào cuối tháng trước, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - đáp lại một vụ thảm sát thường dân ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ - điều động máy bay chiến đấu, xe tăng và pháo để triệt tiêu những mối đe dọa khủng bố ở biên giới. Chưa đầy 2 tuần sau khi đưa quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn làm chủ tuyến biên giới 90km kéo dài từ thị trấn Azaz về thị trấn Jarabulus.

Trong thời gian Thổ Nhĩ Kỳ và FSA mở chiến dịch, không rõ phiến quân IS đã chạy đi đâu, “báo hại” Thổ mang vũ khí sang rồi có khi lại mang... về vì hầu như chẳng có kháng cự nào từ phiến quân khủng bố. Điều trớ trêu là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại đụng độ với phiến quân “ôn hòa” (SDF) do Mỹ bảo trợ.

Hiện không rõ sau khi hoàn tất việc lập một vùng đệm tại đông bắc Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ có lấn tới và tiếp tục các mục tiêu khác chẳng hạn như hất cẳng phiến quân SDF khỏi bờ tây sông Euphrates hoặc phá đám người Kurd (YPG) thành lập khu tự trị ở Syria.

Theo giới quan sát, để thực hiện 2 mục tiêu trên thì Thổ bắt buộc phải có một trong các điều kiện sau. Thứ nhất, Mỹ phải bán đứng YPG/SDF. Thứ hai, Thổ chống lại Mỹ và đương nhiên cùng với đó là sự hậu thuẫn của Nga.

Quan hệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ trở nên căng thẳng sau khi ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra cuộc đảo chính quân sự bất thành mà chính quyền Tổng thống Erdogan cho là do một giáo sĩ sống lưu vong ở Mỹ tiến hành. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 4-9 đã đảm bảo với Tổng thống Erdogan rằng Washington cam kết mang các thủ phạm của cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 ra trước công lý, nhưng không nói rằng Mỹ sẽ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo bị Ankara cáo buộc.

Ông Obama nói với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc rằng: “Chúng tôi sẽ đảm bảo những kẻ thực hiện các hoạt động này bị đưa ra trước công lý”. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Fethullah Gulen, 75 tuổi, đã dàn dựng cuộc đảo chính. Nhưng nhân vật sống lưu vong từ năm 1999 ở bang Pennsylvania miền đông Mỹ này cương quyết phủ nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các quan chức Mỹ nói rằng Ankara vẫn chưa cung cấp cho họ bất kỳ bằng chứng gì cho thấy ông Gulen liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành. Mỹ nói bất kỳ nỗ lực dẫn độ nào cũng sẽ phải được phê duyệt trong hệ thống tòa án ở Mỹ.

Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ khởi phát chiến dịch hoạt động quân sự mặt đất ở Syria, tình hình ở Trung Đông đã trở nên khó hiểu hơn. Ankara nói rằng họ không có kế hoạch ở lại trên đất Syria mà chỉ nhắm đến việc bảo vệ biên giới của mình khỏi sự xâm nhập của các tổ chức phiến quân, trong đó có YPG người Kurd.

Báo giới Mỹ cho rằng chính người Kurd là những đồng minh có hiệu quả nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và đồng nhiệm Mỹ Barack Obama ngày 4-9.
Cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và đồng nhiệm Mỹ Barack Obama ngày 4-9.

“Nếu không có họ, IS đã chiếm được toàn bộ khu vực phía bắc của Syria và như vậy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn” - tờ Wall Street Journal nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Ankara tin rằng người Kurd lấy cái cớ chiến đấu chống IS sẽ “tạo dựng” một vùng lãnh thổ của riêng mình trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, báo The Independent viết. “Người Thổ không muốn sự xuất hiện một quốc gia mini của người Kurd ngay trên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự, người Syria cũng không muốn nhường lãnh thổ của mình cho người Kurd” - tác giả Robert Fisk viết.

Kết quả là Mỹ đã phải thực hiện một sự lựa chọn giữa hai đồng minh, và sự lựa chọn ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh hùng hồn cho các ưu tiên của Washington, theo Christian Science Monitor. Rõ ràng, Mỹ tuyệt vọng tìm cách cứu vãn mối quan hệ (đang trên bờ vực của sự tan rã) với một đồng minh quan trọng.

Chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương Faysal Itani trong một bài báo viết cho tờ Foreign Policy tin rằng sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria sẽ bắt đầu “một kỷ nguyên mới của sự hợp tác Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ” và “thay đổi tiến trình chiến tranh theo hướng có lợi cho Washington”.

“Đây là một nước cờ quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến khác, song song với cuộc chiến chống IS. Nước đi này có thể tạo ra một nền tảng cho việc củng cố quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ” - tác giả Itani viết. Ngoài ra, theo ý kiến của ông, kết quả là Mỹ sẽ có đòn bẩy để tác động đến người Kurd, đồng thời tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, thật là nhất cử lưỡng tiện.

Báo chí Đức có quan điểm hơi khác. Tờ báo Bild cho rằng đây là “một thỏa ước nguy hiểm cháy nhà giữa Obama - Erdogan”, đánh dấu “một sự thay đổi triệt để trong cuộc chiến Syria”. Tham chiếu ý kiến các chuyên gia về Trung Đông, báo Bild viết rằng với việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ “đã đánh mất niềm tin với một đối tác ở Syria đang thực sự phải vật lộn với IS” (ngụ ý người Kurd). Cũng không loại trừ khả năng đã xuất hiện sự đụng độ giữa các đồng minh của Mỹ - người Kurd và các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Hãng tin Đức Die Welt thì dự đoán tình hình khu vực với “cuộc chiến tranh ba mươi năm”.

Với sự can thiệp của Ankara, cuộc xung đột Syria đã có thêm “những chiều kích mới rất khó lường”. Chiến tranh thường được ví như một ván cờ. Với cuộc xung đột Syria, bạn sẽ cần một chục bàn cờ lớn nhỏ khác nhau, lồng ghép vào nhau một cách lộn xộn và vô vọng” - Die Welt cho biết.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới