1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm luôn dải biên giới Syria?

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn kiểm soát hơn 90km biên giới giáp với Syria và rất có thể sẽ chiếm giữ lâu dài ở phía Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ quét sạch IS suốt dải 90km biên giới

Theo quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng vũ trang nước này cùng với nhóm phiến quân đối lập là Quân đội Syria Tự do (FSA) đã đánh đuổi tổ chức khủng bố quốc tế "Nhà nước Hồi giáo" (IS) khỏi khu vực biên giới giữa nước này và Syria.

Theo thông tin của nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, các tay súng của tổ chức khủng bố IS đã mất quyền kiểm soát một loạt khu định cư từ thị trấn Azaz đến Jarabulus. Khu vực biên giới được giải phóng khỏi tay những kẻ khủng bố dài khoảng 91 km.

Một thông cáo của Cơ quan giám sát nhân quyền Syria (SOHR - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở London - Anh), cho biết: "IS đã mất liên lạc với thế giới bên ngoài sau khi để mất những làng biên giới còn lại giữa sông Sajur và làng Al-Rai vào tay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ".

BBC News đưa tin, trong quá trình tiến hành các hoạt động quân sự đặc biệt trên đất Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy lùi vị trí của "tất cả các tổ chức khủng bố” vào sâu trong lãnh thổ Syria khoảng từ 3-5 km.

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım nói rằng, bị đánh bật khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria không chỉ có các phần tử khủng bố IS mà còn có cả lực lượng vũ trang của người Kurd Syria (YPG) được Ankara coi là đồng minh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đang tiến hành cuộc chiến du kích chống các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào cuối tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bất ngờ tổ chức chiến dịch quân sự mang tên “Lá chắn Euphrates” (Operation Euphrates Shield), trong nỗ lực quét sạch các cứ điểm của IS ở khu vực biên giới phía Bắc Syria, giáp với nước này.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới, tiến vào phía Bắc Syria hôm 24/8
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới, tiến vào phía Bắc Syria hôm 24/8

Hôm 24/8 ông Erdogan đã hạ lệnh đưa hàng chục xe tăng, xe bọc thép tràn qua biên giới giữa 2 nước, cùng với sự yểm trợ hỏa lực của máy bay chiến đấu F-16 để triệt tiêu những mối đe dọa khủng bố, và chỉ sau 10 ngày quân đội nước này đã đạt được mục tiêu.

Thực tế cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng của nhóm đối lập ôn hòa Quân đội Syria Tự do (FSA) hầu như không gặp phải sự kháng cự nào của khủng bố và dễ dàng đánh chiếm các cứ điểm của chúng. Các nguồn tin cũng không xác định được phiến quân IS đã chạy đi đâu.

Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng độ gay gắt với lực lượng vũ trang của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - nhóm vũ trang đối lập “ôn hòa” được Mỹ bảo trợ được cho là mạnh nhất Syria hiện nay, với nòng cốt là các tay súng người Kurd thuộc Lực lượng bảo vệ Nhân dân (YPG).

Hiện các chuyên gia quân sự đang tập trung giải đáp thắc mắc là liệu sau khi hoàn tất việc lập một vùng đệm tại đông bắc Aleppo, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có rút về nước ngay hay không, hay họ sẽ tiếp tục hiện diện lâu dài ở Syria nhằm thực hiện các mục tiêu khác của mình?

Câu hỏi là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có lấn tới và tiếp tục các mục tiêu cốt yếu là hạn chế phạm vi kiểm soát của lực lượng đối lập SDF ở khu vực bờ tây sông Euphrates, truy đuổi người Kurd (YPG) sang bờ đông con sông này và ngăn chặn họ thành lập khu tự trị ở Syria hay không?

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể hiện diện ở Syria lâu dài?

Báo chí phương Tây vừa qua đã nhận định rằng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở nước này, khiến tình hình Trung Đông càng trở nên rắc rối hơn.

Foreign Policy cho rằng, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu "một kỷ nguyên mới của sự hợp tác Mỹ-Thổ" và "làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho Washington". Cái bắt tay giữa Obama và Erdogan sẽ đánh dấu sự thay đổi tổng thể trong chiến tranh Syria.

Tờ Guardian của Anh nhận định rằng, mục đích đánh khủng bố IS chỉ là cái cớ còn trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đang triển khai lực lượng tại Syria để đánh bật các nhóm người Kurd mà Lầu Năm Góc cũng đang hỗ trợ về bên bờ đông sông Euphrates.

Người Kurd là những đồng minh hiệu quả nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS. Tuy nhiên, Ankara cho rằng người Kurd Syria đã bắt tay với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ là PKK và “biến hình” thành khủng bố trên lãnh thổ giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả là, Hoa Kỳ buộc phải lựa chọn giữa hai đồng minh và sự lựa chọn thiên về ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ ưu tiên của Washington là cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu vãn quan hệ với đồng minh NATO, nên đã ép người Kurd lùi bước sang phía Đông sông Euphrates.

Washington tin rằng, hành động này sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để Ankara rơi vào vòng ảnh hưởng của Moscow, đồng thời nếu FSA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thì nhóm này sẽ đủ sức chống lại quân đội Syria, thay thế cho lực lượng người Kurd.

Tuy nhiên, người Kurd đã có biểu hiện không chịu nghe theo sự sắp đặt của Mỹ và không nhượng bộ đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này rất có thể sẽ bị Nga lợi dụng để biến họ thành đồng minh của ông Assad hoặc chí ít cũng là trung lập, không chống đối chính quyền Syria.

Quân đội Syria tự do FSA và lực lượng người Kurd trước đây có sự liên kết với nhau
Quân đội Syria tự do FSA và lực lượng người Kurd trước đây có sự liên kết với nhau

Nhưng Moscow sẽ không ra mặt chống đối Ankara mà sẽ giúp đỡ gián tiếp người Kurd bằng cách đưa họ vào danh sách đối lập ôn hòa tham dự Hội nghị Geneva. Nếu điều này thành sự thực, họ sẽ được Liên Hiệp Quốc bảo vệ trước sự “truy sát” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ lường trước được là họ không thể tiêu diệt được người Kurd Syria và không ngăn được ý định của Nga, trước sau gì thì người Kurd cũng sẽ được công nhận là một nhóm đối lập ôn hòa, do những chiến công mà họ đạt được trong cuộc chiến chống IS.

Thổ Nhĩ Kỳ tính toán rằng, sau này nếu người Kurd trở thành một nhóm tham gia hòa đàm, họ sẽ phải chịu sự chế ước của Thỏa thuận Geneva, giữ nguyên khu vực kiểm soát, không thể tự ý mở rộng phạm vi chiếm đóng. Do đó, khoảng thời gian vòng đàm phán tiếp theo ở Geneva chưa được tổ chức là thời cơ quý báu để hạn chế tầm ảnh hưởng và khu vực kiểm soát của người Kurd.

Bởi vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chớp thời cơ tranh thủ đánh bật người Kurd về khu vực al-Hasakah, giao quyền quản lý các cứ điểm chiếm được ở Aleppo cho FSA - một nhóm đối lập do Mỹ hậu thuẫn, mà người Kurd cũng có sự liên kết, để họ không thể dùng cớ đánh IS để đánh sang tỉnh này.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch quân sự cùng với FSA và sau đó bàn giao các cứ điểm chiếm đóng được cho nhóm đối lập này cho thấy, Mỹ đã bắt đầu hạn chế vai trò của người Kurd và ngừng hỗ trợ họ mở rộng phạm vi kiểm soát ở phía Bắc Syria.

Để giữ vững thế cục này, Ankara có thể sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở miền Bắc Syria, ít nhất cho đến khi vòng đàm phán tiếp theo ở Geneva được mở ra. Đến khi đó thì người Kurd sẽ yên vị ở những vị trí ít gây nguy hại nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Thiên Nam

Đất Việt