Mỹ nhẹ nhàng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy ở Syria?
Mỹ dường như muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy trong chiến sự Syria khi liên tiếp thể hiện thái độ khó hiểu.
Mỹ hứa phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 4/9, phát biểu tại cuộc hội đàm với Tổng thống Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc), Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chính quyền Mỹ sẽ phối hợp cùng với Thổ Nhĩ Kỳ để đưa những kẻ chịu trách nhiệm vụ đảo chính ở Ankara hôm 15/7 ra trước ánh sáng công lý.
Theo Tổng thống Obama, đây là cơ hội để ông gặp mặt trực tiếp Tổng thống Erdogan kể từ sau cuộc đảo chính khủng khiếp xảy ra hồi tháng 7.
Với việc cùng xuống đường chống lại âm mưu đảo chính, người dân Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đã khẳng định cam kết theo đuổi con đường dân chủ.
“Ngay khi sự cố xảy ra, tôi đã có tuyên bố rõ ràng lên án hành động đảo chính và đích thân nói chuyện với ông Erdogan, cam kết hỗ trợ bất kỳ điều gì có thể, không chỉ để chấm dứt cuộc đảo chính mà còn là hỗ trợ điều tra, đưa thủ phạm của những hoạt động bất hợp pháp này ra trước công lý”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nỗ lực để thu thập bằng chứng về cuộc đảo chính bất thành, và rằng Bộ Tư pháp nước này sẽ chứng minh được đầy đủ sự liên quan của những kẻ đứng đằng sau vụ việc.
“Các bằng chứng liên quan sẽ được thu tập và gửi cho phía Mỹ. Những nỗ lực này vẫn đang được tiến hành. Chúng tôi đã chào đón phái đoàn của Bộ Tư pháp Mỹ và phái đoàn của chúng tôi cũng sẽ đến Washington. Tất cả sẽ tập trung vào nỗ lực thu thập bằng chứng, tìm ra thủ phạm đứng sau vụ đảo chính”, ông Erdogan nói.
Thực tế, bất đồng trong việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen được cho là một trong những yếu tố đẩy quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào trạng thái căng thẳng thời gian gần đây.
Giới chức Ankara ra sức cáo buộc giáo sĩ Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ là chủ mưu vụ đảo chính bất thành ngày 15/7 và nhiều lần kêu gọi Washington tạo điều kiện để dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử.
“Chúng tôi muốn Washington đẩy nhanh việc dẫn độ người lãnh đạo cuộc đảo chính”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhấn mạnh.
Trong khi đó Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng thuyết phục về những cáo buộc của mình và cần kiên nhẫn chờ Washington điều tra. Không chỉ thế, giáo sĩ Gulen cũng đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ việc dính líu tới cuộc đảo chính.
Mỹ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy ở Syria?
Tuyên bố phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ trừng trị kẻ đảo chính ở Ankara hôm 15/7 ra trước ánh sáng công lý của Washington được đưa ra trong bối cảnh Washington và Ankara đang tích cực nỗ lực để thu hẹp các bất đồng.
Đặc biệt, nó được đưa ra khi dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các hoạt động quân sự tại Syria.
Còn nhớ, hôm 24/8, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates”, điều xe tăng và lực lượng đặc nhiệm qua biên giới sang chiến đấu cùng phe đối lập Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ để giành lại thị trấn Jarabulus từ tay IS.
Phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 24/8 cho biết Mỹ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới với Syria.
“Mỹ đã khuyến khích người Thổ Nhĩ Kỳ vài lần rằng phải có hành động dứt khoát áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, đặc biệt là khu vực biên giới này”, ông Earnest nói.
Trong khi đó, sau chuyến thăm chính thức tới Ankara, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nhấn mạnh thêm lần nữa rằng, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục yểm trợ trên không cho các chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria.
Tuy nhiên, mới đây, giới chức Mỹ đã đưa ra quan điểm trái ngược trong một cuộc họp báo được tổ chức hôm 29/8 tại thủ đô Washington.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã nêu rõ, Mỹ không ủng hộ và phản đối các hành động tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ về khu vực phía Nam (vùng Jarabulus) của Syria và tham gia chiến dịch chống lại Lực lượng Dân chủ (SDF) đối lập, trong đó lực lượng dân quân người Kurd (YPG) là thành phần chủ lực.
Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm phức tạp và cản trở những nỗ lực của Mỹ cùng Liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng tại Syria.
Những tuyên bố có phần mâu thuẫn của Nhà Trắng, khi ủng hộ, khi lên án cho thấy nước cờ khôn ngoan và đầy toan tính của Mỹ.
Dường như Washington đang muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy sâu hơn vào các vấn đề từ khủng bố trong nước đến cuộc chiến tranh tại Syria để trở lại quỹ đạo vốn có.
Theo Hoàng Sơn (Tổng hợp)
Đất Việt