1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện để "bật đèn xanh" kết nạp Thụy Điển vào NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển không nên kỳ vọng gia nhập NATO nếu nước này không ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Ankara ở Stockholm.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện để bật đèn xanh kết nạp Thụy Điển vào NATO - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: AP).

Trong chuyến bay trở về từ Azerbaijan hôm 13/6, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không thể bật đèn xanh cho việc Thụy Điển gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7 tới, trong khi "những kẻ khủng bố" đang biểu tình ở Stockholm. Ông Erdogan khẳng định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ được làm rõ một lần nữa trong các cuộc đàm phán với các quan chức Thụy Điển ở Ankara trong tuần này.

Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy Thụy Điển cấm và trấn áp các cuộc biểu tình chống lại Ankara.

"Các cơ quan hành pháp của (Thụy Điển) có các quyền theo hiến pháp. Hãy sử dụng các quyền đó. Nếu họ không giải quyết, chúng tôi không thể (đồng ý cho họ gia nhập) tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius", Tổng thống Erdogan nói.

Phát biểu của ông Erdogan được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan và NATO đã gặp nhau hôm 14/6 tại Ankara để đàm phán nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường trong việc kết nạp Thụy Điển vào NATO.

Trưởng đoàn đàm phán Thụy Điển Oscar Stenstrom cho biết các cuộc đàm phán với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tốt đẹp và các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục.

"Công việc của tôi là thuyết phục đối tác rằng chúng tôi đã hành động đủ rồi. Tôi nghĩ chúng tôi đã hành động đủ rồi. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa sẵn sàng đưa ra quyết định và nghĩ rằng họ cần có thêm câu trả lời cho những câu hỏi mà họ đặt ra", ông Stenstrom nói.

Tổng thống Erdogan hồi tháng 1 tuyên bố sẽ không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO sau các cuộc biểu tình ở Stockholm do các nhóm bài Hồi giáo và ủng hộ người Kurd tổ chức.

Ông Erdogan đã chỉ trích cuộc biểu tình đốt kinh Koran, cáo buộc đây là sự xúc phạm đối với mọi người, đặc biệt là đối với người Hồi giáo. Ông chỉ trích chính quyền Thụy Điển vì đã cho phép cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.

Việc đốt kinh Koran, cuốn sách linh thiêng của Hồi giáo, đã khiến chính giới Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận, trong bối cảnh Ankara là một trong những chướng ngại vật cuối cùng ngăn Thụy Điển gia nhập NATO.

Ông Erdogan cũng chỉ trích Thụy Điển vì đã cho phép các cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd, nơi những người biểu tình vẫy cờ của nhiều nhóm người Kurd khác nhau, bao gồm cả Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu xem PKK là khủng bố vì lực lượng này từng tổ chức cuộc nổi dậy hồi những năm 1980 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thụy Điển không cấm các biểu tượng của PKK.

Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng hồ sơ của họ cần phải được tất cả 30 quốc gia thành viên NATO chấp thuận. Cho đến nay, Phần Lan đã được chấp thuận gia nhập NATO, trong khi Thụy Điển vẫn phải chờ.

Theo Reuters