Thổ Nhĩ Kỳ dọa “cấm cửa” Mỹ khỏi căn cứ quân sự vì căng thẳng S-400
(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ cân nhắc sẽ yêu cầu Mỹ rời căn cứ không quân quan trọng tại Trung Đông nếu Washington trừng phạt Ankara vì mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga.
“Chúng tôi sẽ phân tích kịch bản tồi tệ nhất và đưa ra quyết định. Nếu Mỹ ban hành lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề về căn cứ Incirlik và Kurecik có thể sẽ được đưa vào chương trình nghị sự”, Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, cho hay.
Ông Cavusoglu nhấn mạnh rằng Ankara có thể sẽ yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi căn cứ Incirlik nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ trừng phạt vì thương vụ mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga.
Tại căn cứ Kurecik, tỉnh Malatya, hệ thống cảnh báo sớm tên lửa tấn công, một phần của mạng lưới phòng không NATO, đã được đưa vào hoạt động từ năm 2012. Những thông tin thu được từ các tổ hợp này cũng được cung cấp cho quân đội Mỹ.
Trong khi đó, căn cứ không quân Incirlik nằm ở phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ là cơ sở quân sự có vị trí địa chiến lược quan trọng với Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã sử dụng căn cứ này để thực hiện hỗ trợ đường không cho các chiến dịch ở Trung Đông.
Ông Cavusoglu cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ kế hoạch của NATO nhằm bảo vệ các nước vùng Baltic trừ khi khối liên minh quân sự đồng thuận với kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi “mối đe dọa khủng bố”.
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết rằng Ankara có thể mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ nhưng họ coi các yêu cầu của Mỹ về việc hủy bỏ các hệ thống phòng không S-400 của Nga là một sự xâm phạm chủ quyền.
Việc bàn giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được Nga bắt đầu hồi tháng 7. Theo ông Erdogan, các hệ thống trên theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động vào tháng 4/2020.
Washington đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ thương vụ S-400 với quan ngại rằng hệ thống này không tương thích với tiêu chuẩn an ninh NATO và có thể gây ra mối đe dọa với việc vận hành các máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất. Trong khi đó, Ankara tuyên bố họ sẽ theo đuổi thương vụ này tới cùng.
Đức Hoàng
Theo Sputnik