1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ Thế chiến 3

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo một số cường quốc phương Tây dường như quyết tâm biến xung đột Ukraine thành một cuộc chiến tranh thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ Thế chiến 3 - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: Reuters).

Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ của tổng thống khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan hôm 5/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng "thật không may, có những quốc gia và những đối tượng ở phương Tây tán thành một cách tiếp cận mở đường cho Thế chiến ba".

Ông Erdogan đổ lỗi cho giới doanh nghiệp sản xuất vũ khí đã thúc đẩy những chương trình nghị sự của riêng họ khi các cường quốc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

"Rõ ràng các nhà buôn vũ khí cần tiền. Và thị trường cho các nhà buôn vũ khí này là phương Tây", ông Erdogan nói.

Ngược lại, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Nga đang thúc đẩy đối thoại và giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Ông cho biết Ankara đang theo dõi nhịp độ liên quan đến cuộc xung đột và ông hy vọng Kiev, Moscow sẽ sớm ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Hai nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau tại Astana hôm 3/7 bên lề hội nghị SCO. Mặc dù không phải là thành viên của tổ chức nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tham dự với tư cách là đối tác đối thoại.

Đề cập đến một thỏa thuận hòa bình tiềm năng với Ukraine tại hội nghị SCO, ông Putin cho biết cánh cửa hòa bình vẫn đang mở.

"Các thỏa thuận ở Istanbul vẫn chưa biến mất, chúng đã được trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine ký tắt, điều đó rõ ràng có nghĩa là Ukraine khá hài lòng với chúng", ông Putin nói.

Tổng thống Nga đề cập đến một dự thảo tài liệu suýt được chính thức ký kết tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022. Theo hiệp định này, Ukraine sẽ cam kết trung lập vĩnh viễn, đồng thời thu hẹp quân đội để đổi lấy những đảm bảo an ninh nhất định.

"Những thỏa thuận này vẫn được đặt trên bàn và có thể làm cơ sở để tiếp tục các cuộc đàm phán", ông Putin để ngỏ.

Tổng thống Erdogan nói rằng, ông tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù vậy, Điện Kremlin cho rằng, ông Erdogan không thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột đã kéo dài 28 tháng này.

Thổ Nhĩ Kỳ từng đóng vai trò trung gian đàm phán ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ankara cũng đóng vai trò trung gian cùng với Liên hợp quốc giúp Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước tuyên bố Ukraine "không muốn kéo dài xung đột" và sẽ "đưa một kế hoạch giải quyết lên bàn đàm phán trong vòng vài tháng tới".

Ông cũng nêu rõ, Ukraine không loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, nhưng chúng chỉ có thể được tổ chức thông qua các bên trung gian như trường hợp đạt được thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022.

Ông đề xuất, có thể mời các nước khác làm trung gian. "Không chỉ châu Âu và Mỹ, mà các quốc gia từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng nên tham gia và giúp chuẩn bị các tài liệu để Moscow và Kiev cùng xem xét", Tổng thống Zelensky nói.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm