Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn, hy vọng hòa bình ở Syria càng mong manh
Vụ đánh bom đẫm máu đêm 17-2 tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) khiến 28 người chết và 61 người bị thương đã làm dấy lên mối lo ngại sẽ khiến tình hình khu vực thêm rối ren.....
Ngày 18-2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã lên tiếng xác nhận thủ phạm gây ra vụ đánh bom trên là một công dân Syria tị nạn có tên Salih Necar, đồng thời cáo buộc nhóm vũ trang “Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd” (YPG) ở miền Bắc Syria đã kết hợp với lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) lên kế hoạch cho vụ tấn công này.
Cả hai tổ chức YPG và PKK đều bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, lãnh đạo cấp cao của PKK Cemil Bayik khẳng định không biết ai đứng sau vụ tấn công.
Trong vụ tấn công đêm 17-2, một quả bom đã nổ ở Kalkaia, khu vực nằm ngay trước một tòa nhà của không quân Thổ Nhĩ Kỳ gần trụ sở quốc hội nước này ở Ankara, khi đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dừng trước một cột đèn tín hiệu giao thông. Đoàn xe này được cho đang chở thân nhân lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và trong số những người thiệt mạng có cả binh sĩ.
Trong khi đó, chưa đầy 24 giờ sau vụ đánh bom này, theo Reuters, tại Thổ Nhĩ Kỳ lại xảy ra vụ nổ trên đường cao tốc nối liền Diabakia - nơi có đông người Kurd - với quận Litre. Thiết bị gây nổ là một quả bom tự chế và cả 7 nạn nhân thiệt mạng đều là quân nhân.
Tính cả vụ nổ Trung tâm văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển ngày 17-2 thì trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu tổng cộng 3 vụ tấn công. Song cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công này. Tuy nhiên, một số nguồn tin đã lập tức liên hệ vụ việc với một số vụ tấn công mà PKK đã gây ra trước đó, trong khi một số khác nhận định vụ tấn công là do Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành.
Bạo lực liên tiếp diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Ankara vừa cho biết ý định cùng với các đồng minh quốc tế tại Syria tiến hành một chiến dịch tấn công trên bộ vào nước láng giềng bất ổn Syria. Cho dù thủ phạm là PKK, IS hay bất kỳ tổ chức cực đoan nào, diễn biến bạo lực này có thể sẽ càng thúc đẩy Aka\ra hành động ở Syria, mà trước mắt sẽ là đẩy nhanh kế hoạch đưa bộ binh vào nước này.
Một trong những mục tiêu của Ankara trong kế hoạch quân sự này là nhổ bỏ cái gai lực lượng người Kurd ở Syria vốn được cho là có liên hệ mật thiết với PKK. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cáo buộc chính lực lượng người Kurd ở Syria đã chuyển giao vũ khí cho lực lượng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, trước thực tế Nga tiến hành chiến dịch oanh kích Syria làm cản trở các tham vọng của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, bao gồm việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Al- Assad, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể ngồi yên.
Vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của không quân Nga tại khu vực biên giới với Syria cho thấy “giọt nước đã tràn ly” làm bùng nổ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng việc Thổ Nhĩ Kỳ lôi kéo các nước đồng minh đưa quân vào Syria còn nhằm gây áp lực lên Mátxcơva.
Tuy nhiên, kế hoạch quân sự của Anka-ra tại Syria ở vào thời điểm hiện nay không phải dễ thực hiện, vì hiện nay kế hoạch này không được sự ủng hộ của Mỹ và Nga, hai quốc gia đang giữ vai trò cầm trịch trên “bàn cờ Syria”.
Ngoài ra, A-rập Xê-út, nước ban đầu tỏ ra ủng hộ kế hoạch triển khai bộ binh tới Syria của Ankara, đang tỏ thái độ lưỡng lự và chờ phản ứng tiếp theo của Mỹ. Ngoại trưởng A-rập Xê-út, ông Adel Al-Jubeir tuyên bố: “Chúng tôi đã tuyên bố rằng nếu liên minh do Mỹ dẫn đầu phái quân đổ bộ tới Syria, chúng tôi sẵn sàng đưa lực lượng đặc biệt tới đây. Nên bây giờ chúng tôi đang đợi xem các diễn biến tiếp theo”.
Sự thay đổi thái độ của Riyadh được cho là do một loạt quốc gia trong khu vực và thế giới đồng loạt lên tiếng phản đối kế hoạch đưa quân vào Syria. Việc này đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế đơn độc trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài, bao gồm mối đe dọa từ PKK và số các vụ tấn công khủng bố gia tăng.
Đó là chưa kể việc các cuộc nã pháo xuyên biên giới nhằm và lực lượng người Kurd ở Syria của quân đội chính quyền Ankara càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị Washington và các nước trong khu vực xa lánh, do lo ngại hành động này sẽ khiến căng thẳng và bạo lực leo thang ở khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan từng khẳng định, nước này “không có ý định dừng các cuộc pháo kích người Kurd ở Syria” và cho rằng, việc phớt lờ mối liên hệ giữa lực lượng người Kurd ở Syria và PKK là một “hành động thù địch”.
Ông Erdogan cho rằng, Mỹ cần đưa ra quyết định ủng hộ Ankara hay lực lượng người Kurd. Nhưng yêu cầu này của Ankara luôn bị Washington khước từ và thực tế là Mỹ vẫn ra sức ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria và hỗ trợ vũ khí cho lực lượng này trong cuộc chiến chống IS.
Những bất đồng nói trên giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là một trong những nguyên nhân cản trở nỗ lực giải quyết xung đột dai dẳng ở Syria vốn rất cần sự hỗ trợ và đồng tình của các nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh bạo lực leo thang tại Thổ Nhĩ Kỳ với các cuộc tấn công khủng bố gia tăng, chưa có gì bảo đảm Ankara và Washington sẽ đạt được đồng thuận trong vấn đề Syria. Kể cả trước thực tế là sau vụ tấn công khủng bố đêm 17-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã khẳng định sự đoàn kết với Ankara.
Nhận định về những diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Frants Klintsevich, ngày 17-2, đã nhấn mạnh vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Ankara Thổ Nhĩ Kỳ khiến gần một trăm người thương vong đã làm trầm trọng thêm tình hình ở Trung Đông, cản trở các cuộc đàm phán giữa các phe phái ở Syria.
Theo Mai Nguyên
Quân đội nhân dân