1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thiệt hại được dự báo trước

Cả hai nền kinh tế Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều chịu thiệt hại nếu lệnh trừng phạt kinh tế của Nga được áp dụng. Những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất là năng lượng, du lịch, thực phẩm…

Trong bối cảnh hai nền kinh tế của cả hai nước vốn phụ thuộc nhau đều đang khó khăn, những dự án hàng chục tỷ USD có nguy cơ bị bỏ dở, điều hai bên cần là những đòn bẩy tăng trưởng chứ không phải những “cú sốc”.

Tuyên bố cứng rắn của Nga

Trong động thái biểu thị sự cứng rắn của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 27-11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo, Nga quyết định đình chỉ chế độ miễn thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2016. Trước đó một ngày, ngày 26-11, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông báo khuyến cáo công dân nước này hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước.

Thiệt hại được dự báo trước - 1

Mỗi năm, Nga cung cấp 27 tỷ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 70% tổng tiêu thụ của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Sputtnik)

Thiệt hại được dự báo trước - 2

Công trường xây dựng dự án Turkish Stream. (Ảnh: Tass.ru)

Ngày 26-11, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin cũng đã ra những tuyên bố khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cố tình đẩy quan hệ với Nga vào bế tắc, khi cho đến nay vẫn không có lời xin lỗi hay đề xuất bồi thường nào. Tổng thống Putin cho biết, hiện Nga đang chuẩn bị các biện pháp kinh tế nhằm đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm: Ngừng các dự án hợp tác; hạn chế các giao dịch tài chính và thương mại; điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu; các biện pháp trong lĩnh vực du lịch, vận tải kể cả bằng đường không và đường biển.

Thủ tướng Nga D.Medvedev hôm 25-11 cũng đã tuyên bố, Nga đang xem xét việc hủy một số dự án quan trọng trong lĩnh vực năng lượng với Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều nhận định, hậu quả tiêu cực của vụ việc cũng sẽ tác động tới các hợp đồng và gói thầu.

Năng lượng - xương sống trong quan hệ kinh tế Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng quan trọng của Nga trong lĩnh vực năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua khí đốt tự nhiên từ Nga lớn thứ hai thế giới, sau Đức. Mỗi năm, Gazprom của Nga cung cấp tới 27 tỷ m3 khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương gần 70% tổng tiêu thụ của nước này. Năm 2010, hai nước đã ký thỏa thuận xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Mersin (Thổ Nhĩ Kỳ), trị giá 20 tỷ USD; xây dựng Nhà máy Akkuyu công suất 4.800MW. Nga sẽ tài trợ cho dự án này 22 tỷ USD và sau đó giữ vai trò vận hành nhà máy điện hạt nhân trên. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2020 và toàn bộ công trình hoàn tất năm 2023.

Một dự án lớn khác của hai nước là đường ống Turkish Stream để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua Biển Đen. Với công suất 63 tỷ m3 mỗi năm, 16 tỷ m3 sẽ được tiêu thụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại chuyển tới châu Âu. Việc xây dựng đường ống dự kiến bắt đầu từ tháng 6 năm nay, nhưng đang bị trì hoãn. Nếu các dự án này gặp trục trặc, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn chịu thiệt. Tuy nhiên, Nga cũng đang phải phụ thuộc bán khí đốt cho nước láng giềng để bổ sung vào ngân sách vốn đang co lại vì giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Liên quan tới thương mại, nếu các lệnh trừng phạt được thực thi, hai bên cũng chịu nhiều thiệt hại. Giữa tháng 10-2015, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov cho biết, thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt 100 tỷ USD: "Mục tiêu của chúng tôi là đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại, và điều này là khả thi, do nền kinh tế hai nước có quan hệ bổ sung". Thương mại giữa hai nước này đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Tổng thống Thổ Nhĩ KỳRecep Tayyip Erdogan cũng kỳ vọng kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD năm 2023.

Nếu trừng phạt, nông dân Nga cũng chịu thiệt

Không chỉ dừng các sự án năng lượng quan trọng, Người phát ngôn Bộ Nông nghiệp Nga dẫn lời Bộ trưởng bộ này, Alexander Tkachev, cho biết Nga còn tuyên bố sẽ tăng cường giám sát thực phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ kiểm tra bổ sung tại biên giới cũng như tại cơ sở sản xuất. Báo Độc lập (Nga) cũng cho biết, Nga có thể hủy các dự án chung với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế nhập khẩu hàng nông nghiệp từ nước này để trả đũa.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo trừng phạt thương mại sẽ ảnh hưởng tới nông dân Nga. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Ankara, Bộ trưởng Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Faruk Celik khẳng định, rõ ràng bất cứ lệnh trừng phạt nào cũng sẽ tác động tới người nông dân Nga nhiều hơn người nông dân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ trưởng Celik, những tranh cãi hiện nay đang tác động tới thỏa thuận mua bán lúa mì giữa hai nước. Trong khi Nga là một trong những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới còn Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu nhiều lúa mì nhất từ Nga.

Ngành du lịch chịu thiệt hàng chục tỷ USD

Các khu nghỉ dưỡng ven biển của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những điểm đến ưa thích của người Nga. Nga hiện là nguồn khách du lịch lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, sau Đức. Khoảng 4,4 triệu người Nga, trong đó có 3,3 triệu khách du lịch, đã tới đây năm 2014. Theo RT, ngành du lịch đóng góp 11% GDP cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 170 tỷ USD. Vì vậy, các chuyến bay từ Nga bị gián đoạn sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất 30 tỷ USD mỗi năm.

Ông Osman Ayik, người đứng đầu Hiệp hội Các ông chủ khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước sẽ gây tổn hại lớn cho ngành công nghiệp du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch danh dự của Hội đồng thương mại Thổ-Nga, Turgut Gur, cho biết sự gia tăng căng thẳng có thể tạo ra gánh nặng nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào giao dịch thương mại giữa hai nước, hiện ở mức 35 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng, hai nước sẽ không muốn có thêm các bước đi làm tăng thiệt hại đôi bên, nhất là khi hai nền kinh tế đều đang rất chật vật.

Cần những đòn bẩy tăng trưởng chứ không phải những “cú sốc”

Hiện Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên tới vài chục tỷ USD. Theo số liệu do hãng tin Bloomberg tập hợp, Nga đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014, vượt cả Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu quan hệ hai nước bị đóng băng hay bị cắt đứt, sẽ không nước nào được hưởng lợi. Nền kinh tế Nga đang gặp khó vì giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không khá hơn. Tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 3,6% vào năm 2016-mức rất thấp so với đà tăng 9% năm 2010 và 2011. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã giảm 20% so với đồng USD trong năm nay. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ tốn kém hơn để trả các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn 125 tỷ USD.

Do đó, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều cần những đòn bẩy để tăng trưởng, chứ không phải là thêm một “cú sốc” mới.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân

Thiệt hại được dự báo trước - 3