1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thêm 5 người biểu tình thiệt mạng, Myanmar càng lún sâu vào khủng hoảng

An Bình

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng tại Myanmar chưa có dấu hiệu dừng lại khi có thêm 5 người biểu tình hôm nay thiệt mạng vì bị trúng đạn của lực lượng an ninh, và tổng số người chết hậu chính biến đã vượt con số 80.

Thêm 5 người biểu tình thiệt mạng, Myanmar càng lún sâu vào khủng hoảng - 1

Người biểu tình trên đường phố Myaing, Magway, Myanmar ngày 11/3 (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn thông tin từ báo chí địa phương và các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh Myanmar hôm nay đã nổ súng vào người biểu tình phản đối đảo chính ở cố đô Yangon, làm ít nhất 3 người chết. Hai người cũng thiệt mạng ở nơi khác do trúng đạn.

Video được ghi lại tại Yangon cho thấy người biểu tình đã đối đầu với lực lượng an ninh tại quận Hlaing Tharyar. Các cột khói đã bốc lên từ khu vực và một nguồn tin cho biết 2 nhà máy tại quận này đã bị phóng hỏa. Trang tin Irrawaddy cho hay 3 người đã thiệt mạng trong cuộc đối đầu.

Ít nhất 2 người khác cũng thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại các địa điểm khác ở Myanmar hôm nay. Một thanh niên bị bắn và tử vong tại thị trấn Bago, gần Yangon, trong khi một người biểu tình khác bị giết chết tại thị trấn Hpakant ở miền đông bắc.

"Thời điểm đen tối nhất"

Ông Mahn Win Khaing Than, người được đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bổ nhiệm làm quyền phó tổng thống để thay mặt Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi hiện đang bị giới chức quân đội bắt giữ, đã có bài phát biểu trên Facebook hôm qua. "Đây là thời điểm đen tối nhất của đất nước và thời điểm bình minh đang cận kề", ông nói.
 

Ông Khaing Than cho biết chính phủ dân sự sẽ "cố gắng thảo ra các luật cần thiết để người dân có quyền tự vệ" trước cuộc trấn áp của quân đội, đồng thời kêu gọi "các sắc tộc anh em" đồng lòng xây dựng một "nền dân chủ liên bang", nỗ lực lật đổ chính quyền quân sự.

Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi chính quyền quân sự lật đổ chính quyền dân cử trong cuộc đảo chính hôm 1/2. Làn sóng biểu tình đã nổ ra trên khắp nước này nhằm phản đối cuộc đảo chính.

Tính tới ngày 13/3, hơn 80 người đã thiệt mạng trong làn sóng biểu tình lan rộng, khi lực lượng an ninh đối phó nhằm dập tắt làn sóng phản đối cuộc đảo chính quân sự. Hơn 2.100 người đã bị bắt giữ cho tới nay.

Đại sứ Myanmar tại LHQ quyết phản đối chính quyền quân sự

Thêm 5 người biểu tình thiệt mạng, Myanmar càng lún sâu vào khủng hoảng - 2

Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun trong bài phát biểu ngày 26/2 (Ảnh: Reuters).

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc đã hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự, đồng thời cam kết tiếp tục phản đối chính quyền quân sự chừng nào còn có thể.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo CNA của Singapore tại New York ngày 12/3, Đại sứ Kyaw Moe Tun đã cảm ơn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về việc ra tuyên bố lên án bạo lực chống lại người biểu tình tại Myanmar. Tuyên bố được đưa ra hôm 10/3 và được toàn bộ 15 thành viên của HĐBA LHQ ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Kyaw Moe Tun cho rằng tuyên bố của HĐBA LHQ chưa đáp ứng các kỳ vọng và cần phải có tuyên bố cũng như hành động mạnh mẽ hơn từ cơ quan này.

"Đó là điều người dân Myanmar thực sự cần… Chúng tôi cần sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế", ông cho biết. Đại sứ Kyaw Moe Tun cũng nhấn mạnh rằng người trẻ là tương lai của Myanmar và cần được bảo vệ.

Ngày 26/2, Đại sứ Kyaw Moe Tun đã có bài phát biểu gây xôn xao LHQ, trong đó ông công khai phản đối cuộc đảo chính và kêu gọi "những hành động mạnh hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để lập tức chấm dứt chính biến, ngăn chặn tình trạng đàn áp người dân vô tội, và khôi phục quyền lực cho người dân, khôi phục nền dân chủ" tại Myanmar.

Ngay sau bài phát biểu trên, chính quyền quân sự Myanmar sa thải ông Kyaw Moe Tun và bổ nhiệm cấp phó của ông lên thay. Tuy nhiên, nhân vật mới được bổ nhiệm cũng từ chức không lâu sau đó, và ông Kyaw Moe Tun hiện là đại diện của Myanmar tại LHQ.

Trong cuộc phỏng vấn với CNA, ông Kyaw Moe Tun cho biết ông đã đoán được rằng quân đội sẽ hành động chống lại ông sau bài phát biểu tại LHQ.

"Ngay từ đầu, tôi đã quyết định sẽ chống lại chính quyền quân sự chừng nào còn có thể và cho tới khi cuộc đảo chính quân sự kết thúc. Đây là mong muốn của tôi, vì người dân Myanmar. Vì vậy tôi sẽ tiếp tục làm điều đó với tư cách là đại diện thường trực của Myanmar tại LHQ", ông tuyên bố.

Ông Kyaw Moe Tun cũng nói thêm, ông từng rất lo ngại rằng các động thái của mình có thể gây ra các nguy cơ tiềm tàng đối với cha mẹ và các thành viên gia đình.

"Nhưng sau khi tôi có bài phát biểu đó, tôi đã nhận được hồi âm từ bố mẹ. Họ nói họ tự hào về tôi, và tôi hạnh phúc về điều này", Đại sứ Kyaw Moe Tun tâm sự.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar