1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới thời Covid-19: Những rạn nứt và sự lung lay của trật tự quốc tế

Trật tự quốc tế - di sản từ sau Thế chiến II - sẽ còn lại gì sau cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên đại dịch Covid-19? Thế giới địa chính trị tiếp sau đó sẽ khác biệt ra sao so với trước kia? Vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra câu trả lời.

 
Thế giới thời Covid-19: Những rạn nứt và sự lung lay của trật tự quốc tế - 1

Đại dịch Covid-19 đã lan khắp các lục địa, gây ra những xáo trộn nghiêm trọng cho trật tự thế giới. (Nguồn: QT)

Hơn 3 tháng đã trôi qua kể từ khi thế giới biết về chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) bắt nguồn từ Trung Quốc. Đại dịch đã lan khắp các lục địa, gây ra những xáo trộn nghiêm trọng cho trật tự thế giới. Nó cho thấy một sự gia tăng tàn bạo của các xu hướng vốn đã xuất hiện trước cuộc khủng hoảng, hay nói đúng hơn là các rạn nứt thực sự.

Mỹ thu mình

Đại dịch Covid-19 bùng phát đúng lúc diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và kéo theo đó là thảm họa kinh tế đã khiến nước Mỹ càng thu mình lại. Tổng thống Donald Trump quay lưng lại với châu Âu và từ chối bất kỳ sự hợp tác quốc tế nào. Khác với Tổng thống tiền nhiệm Barak Obama, người đã tham gia cuộc chiến chống virus Ebola năm 2014, ông Trump quyết định ngừng đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch Covid-19.

Covid-19 cũng phơi bày lỗ hổng của mô hình chính trị xã hội Mỹ: 22 triệu người thất nghiệp, người dân không có bảo hiểm y tế, hệ thống y tế công không đầy đủ, một quốc gia bị chia rẽ, sự bất lực của Nhà Trắng, Tổng thống xung đột với các thống đốc bang... Mỹ giảm uy tín trên trường quốc tế.

Trung Quốc "tấn công"

Với sự táo bạo và tốc độ khiến các nước phương Tây choáng váng, Trung Quốc ngay khi kiểm soát được dịch Covid-19 ở Vũ Hán đã phát động một cuộc "tấn công" ngoại giao nhân đạo trên toàn thế giới. Càng ngày càng tỏ rõ tham vọng, Trung Quốc chưa bao giờ triển khai các nỗ lực một cách mạnh mẽ như vậy, dựa vào các lô hàng khẩu trang và thiết bị y tế được tuyên truyền rộng rãi trên các mạng xã hội phương Tây.

Các đại sứ quán và các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đã chỉ trích cách xử lý dịch bệnh của các chính phủ châu Âu và thúc đẩy khái niệm "Con đường tơ lụa y tế", được đưa ra năm 2017. Hoạt động của Trung Quốc ban đầu đã đạt được một số hiệu quả trong bối cảnh phương Tây đang lúng túng với đại dịch. Tuy nhiên, một cuộc phản công đang hình thành. Tổng thống Trump không bỏ lỡ cơ hội tấn công Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đã trì hoãn thông báo với thế giới về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 giữa người với người và đã "thao túng" WHO.

 

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng công khai đặt câu hỏi về tính xác thực của các số liệu mà Trung Quốc công bố về mức độ dịch bệnh và thông tin về nguồn gốc của virus, cũng như đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch hơn.

Đặc biệt, họ rất tức giận trước việc Bắc Kinh đã khai thác về mặt chính trị những khó khăn của châu Âu. Việc cung cấp khẩu trang cho châu Âu được Bắc Kinh khuếch trương, trong khi lờ đi những viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU) cho Trung Quốc hồi tháng 2/2020, khi Trung Quốc đang ở đỉnh dịch.

Hiện giờ, có hai yếu tố quyết định cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là khả năng phục hồi kinh tế nhanh hơn và chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm vaccine.

Châu Âu bị thách thức về sự đoàn kết

Trên bình diện y tế, chính trị và kinh tế, EU đã không được chuẩn bị để đối mặt với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, thậm chí còn đánh giá thấp mức độ dịch bệnh trong thời gian đầu. EU cũng vắng mặt khi dịch bệnh bùng phát ở miền Bắc Italy. Các quốc gia thành viên đã thiếu đoàn kết khi Rome (Italy) và Madrid (Tây Ban Nha) kêu gọi giúp đỡ.

Biên giới Schengen đóng cửa, Đức và Pháp thực hiện các biện pháp cấm xuất khẩu thiết bị y tế, vi phạm các quy tắc thị trường nội khối. Rõ ràng, đối với mỗi chính phủ, khi bảo vệ công dân của mình, quốc gia được coi là người bảo vệ chứ không phải EU.

Sau những tuần đầu tiên bất động, các tổ chức châu Âu đã nối lại hoạt động để giúp các quốc gia thành viên đối mặt với hậu quả của việc đóng cửa nền kinh tế kéo dài. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện các biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, công việc khó nhất vẫn ở phía trước. Liệu EU và khu vực đồng euro có giải được bài toán mới này hay không?

Tuy vậy, một số quốc gia như Đức, Áo, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, vùng Scandinavia và Trung Âu đã xử lý tốt khủng hoảng y tế. Như vậy, mô hình Nhà nước phúc lợi, điểm nhấn của các xã hội châu Âu, đã làm tròn vai trò của mình.

Toàn cầu hóa bị đặt dấu hỏi

Trước đại dịch, toàn cầu hóa đã bị buộc tội phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng bất bình đẳng và phá hủy tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển. Trong đại dịch, toàn cầu hóa một lần nữa bị cho là có lỗi trong việc thiếu thốn trang thiết bị y tế, gây cản trở sự chăm sóc bệnh nhân ở phương Tây.

Sự bất hợp lý của các chuỗi giá trị đã khiến các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp khẩu trang và máy thở, phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ trong sản xuất thuốc. Tự chủ công nghiệp y tế được đưa trở lại vào chương trình nghị sự của mỗi quốc gia.

 

Quản trị toàn cầu thất bại

WHO đã thất bại nghiêm trọng, thể hiện qua việc trì hoãn cảnh báo đại dịch toàn cầu. Nhóm G7 đã hoạt động không hiệu quả, cho dù Pháp nỗ lực kích hoạt đòn bẩy Mỹ. Nhóm G20 chỉ giới hạn trong một thỏa thuận đồng ý cho 76 quốc gia đang phát triển hoãn trả nợ cho đến cuối năm nay.

Cuộc khủng hoảng mang tính tàn phá và phản xạ bảo hộ của các quốc gia đã kích hoạt sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc, chống lại chủ nghĩa toàn cầu. Chủ nghĩa đa phương được bảo vệ trước đại dịch đã trở nên rất yếu ớt hiện nay, ngay cả khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới có thể chứng minh vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ cho thế giới mới nổi.

Nhân tố quốc tế mới gia tăng

Sự phong tỏa của một nửa thế giới đã tạo nên chiến thắng của kỹ thuật số. Cuộc sống sau phong tỏa chắc chắn sẽ là cơ hội của ngành công nghệ này, khi việc kiểm soát cá nhân bằng kỹ thuật số được áp dụng để đảm bảo an ninh sức khỏe.

Những “gã khổng lồ” trên mạng Internet ngày càng quan trọng hơn đối với hoạt động xã hội kinh tế. Quỹ Bill và Melinda Gates đã đóng một vai trò lớn trong lĩnh vực y tế tại các nước đang phát triển. Quỹ này trở thành nhân tố hàng đầu sau khi Mỹ ngừng đóng góp cho WHO, còn người sáng lập ra Microsoft là nhà tài trợ lớn thứ hai.

Bill Gates đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về sự nguy hiểm của một đại dịch ngay từ năm 2015. Quỹ của ông đã đóng góp 250 triệu USD cho cuộc chiến chống Covid-19, nghiên cứu về vaccine và phác đồ điều trị.

Không có gì là cố định, mọi thứ đều có thể thay đổi. Điều chắc chắn duy nhất tại thời điểm này là một loại virus toàn cầu đã tấn công nghiêm trọng các nền tảng, vốn đã bị lung lay, của trật tự quốc tế được xây dựng từ thế kỷ XX.

Theo Thu Hiền

Thế giới & Việt Nam