Thế giới sốc, bàng hoàng trước thảm kịch MH17
(Dân trí) - Thủ tướng Malaysia đã gọi vụ tai nạn máy bay bay của hãng hàng không Malaysia Airlines tại đông Ukraine là “rất sốc”, khi 298 người trên khoang đều thiệt mạng. Một số nguồn tin khẳng định máy bay đã bị bắn hạ.
Miêu tả thảm họa là “một ngày bi kịch” trong một “năm bi kịch” đối với Malaysia, Thủ tướng Najib khẳng định cuộc điều tra về vụ việc “sẽ không bị cản trở bằng bất cứ giá nào”.
Trong một tuyên bố, ông Najib cho biết lộ trình của MH17 đã được Cục hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tuyên bố là an toàn. Máy bay đã không phát tín hiệu khẩn cấp.
“Malaysia không thể xác nhận nguyên nhân của thảm kịch này. Nhưng chúng ta phải - và chúng ta sẽ - tìm ra chính xác điều gì đã xảy ra với chuyến bay này”, ông nói.
“Nếu chiếc máy bay thực sự bị bắn hạ, chúng tôi khẳng định rằng những kẻ phạm tội sẽ bị đưa ra công lý”, ông Najib nhấn mạnh.
Người dân Hà Lan cũng đã bị sốc khi nhận thông tin về thảm họa hàng không của Malaysia.
Hàng trăm người thân của các hành khác đã đổ tới sân bay Schiphol ở Amsterdam sau khi biết tin về vụ tai nạn. Ít nhất 154 hành khách trên chuyến bay MH17 là các công dân Hà Lan.
Quốc kỳ 3 màu đỏ, trắng và xanh của Hà Lan đã treo rủ trên khắp cả nước và tại các đại sứ quán nước này khắp thế giới để tưởng nhớ những người thiệt mạng.
“Tôi vô cùng đau buồn trước thông tin khủng khiếp này”, Quốc vương Hà Lan Willem-Alexander nói trong một tuyên bố.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông “rất sốc” về thảm kịch. Còn Bộ trưởng tư pháp Hà Lan Ivo Opstelten cho hay ông “hoàn toàn bị sốc” khi xem các hình ảnh “khủng khiếp” từ hiện trường vụ tai nạn.
Phó chủ tịch của Malaysia Airlines Huib Gorter cho biết trong một cuộc họp báo tại sân bay Schiphol rằng máy bay sẽ đưa người thân các nạn nhân tới Ukraine để thăm hiện trường vụ tai nạn nếu họ muốn thực hiện chuyến đi.
Nhiều người tại Hà Lan đã vô cùng bất ngờ khi biết tin những người thân và bạn bè của họ đi trên chuyến bay MH17.
“Điều này không thể là sự thật”, Alicia de Boer viết trên mạng xã hội Facebook sau khi biết tin người bạn của cô đi trên chuyến bay.
Vụ tai nạn hôm qua là thiệt hại nhiều người lớn thứ hai mà Hà Lan từng gánh chịu trong một thảm họa hàng không. Vào năm 1977, một chiếc máy bay Boeing 747 đã gặp nạn ở đảo Tenerife là một hòn đảo nhiệt đới thuộc quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha, khiến 238 công dân Hà Lan thiệt mạng.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ thái độ sốc và đau buồn về vụ rơi máy bay MH17.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc với người thân các nạn nhân cho biết Mỹ sẵn sàng trợ giúp để tìm hiểu điều gì đã xảy ra và tại sao.
Các lãnh đạo châu Âu đã bị sốc về vụ tai nạn và yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông “bị sốc và đau buồn về thảm họa hàng không của Malaysia”.
Chuyến bay mang số hiệu MH17, chở tổn cộng 298 người, đã bị rơi tại khu vực do phe ly khai kiểm soát ở đông Ukraine, gần biên giới Nga.
Chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga đang đổ lỗi cho nhau về việc bắn rơi máy bay bằng một tên lửa.
Đây là thảm họa thứ 2 mà hãng hàng không Malaysia Airlines gặp phải trong năm nay. Trước đó, chuyến bay MH370, chở 239 người, cũng biến mất hồi tháng 3 khi đang trên đường từ Malaysia đi Trung Quốc và cho tới nay vẫn chưa được tìm thấy.
Trong một tuyên bố, Malaysia Airlines cho biết MH17 chở ít nhất 154 công dân Hà Lan, 27 người Úc, 43 người Malaysia (bao gồm 15 thành viên phi hành đoàn), 12 người Indonesia và 9 người Anh.
Các hành khách khác đến từ Đức, Bỉ, Philippines, Canada và 41 người chưa được xác nhận quốc tịch. Một số các hành khách trên khoang đang trên đường tới tham dự một hội nghị quốc tế lớn về HIV/Aids tại Melbourne, Úc.
Nhiều hãng hàng không đã thông báo thay đổi lộ trình bay để tránh miền đông Ukraine.
Giới chức Mỹ và Ukraine cho biết họ tin rằng máy bay đã bị một tên lửa bắn hạ. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng đó là một “hành động khủng bố”.
Theo AFP, BBC