1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới "nín thở" khi người Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống

Minh Phương

(Dân trí) - Dù hưởng lợi hay chịu tác động từ chính sách đối ngoại của Mỹ, nhiều nước trên thế giới đang thấp thỏm theo dõi diễn biến cuộc bầu cử tổng thống 2020 ở Mỹ.

Thế giới nín thở khi người Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Bầu cử tổng thống của Mỹ luôn nhận được sự quan tâm lớn của quốc tế, song năm nay sự quan tâm này càng lớn hơn nữa bởi chính sách 4 năm qua của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có tác động mạnh mẽ đến hầu khắp thế giới.

Nếu được quyền bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới, có lẽ Israel sẽ là một trong những nơi bỏ phiếu nhiều nhất cho Tổng thống Donald Trump. Kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Israel được hưởng khá nhiều lợi ích chính trị, trong đó phải kể đến việc bình thường hóa quan hệ với 3 quốc gia Ả rập giúp Trung Đông bớt đối đầu với họ.

Tin tức về bầu cử Mỹ tràn ngập các tờ báo của Đức, trong khi người Australia cũng thấp thỏm chờ kết quả bầu cử và đặt cược vào chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden. Tại Ukraine, một số người không loại trừ khả năng lãnh đạo của họ buộc phải gửi lời chúc mừng ông Trump chiến thắng sớm ngay cả khi kết quả chưa ngã ngũ.

Theo bình luận của New York Times, không có nước nào trên thế giới theo dõi diễn biến bầu cử Mỹ bằng Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại, công nghệ và đại dịch Covid-19 đã khiến quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất hàng chục năm qua. Mặc dù vậy, không nhiều quan chức hy vọng tình hình sẽ cải thiện nếu ông Trump thất cử. Thậm chí nhiều người cho rằng, với quan điểm "cứng rắn với Trung Quốc”, ông Biden sẽ còn là thách thức lớn hơn cho Bắc Kinh. Truyền thông và cộng đồng mạng Trung Quốc mô tả chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay là cuộc đấu giữa hai người cao tuổi.

Tại Nga, nơi Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cáo buộc có những nỗ lực bí mật nhằm giúp ông Trump đắc cử, các hãng truyền thông đề cập đến nguy cơ xảy ra bạo lực sau bầu cử Mỹ. Phần lớn người Nga cho rằng, dù ai đắc cử cũng sẽ không có khác biệt nhiều với họ.

Thế giới nín thở khi người Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống - 2
Nhiều đồng minh châu Âu hy vọng ông Biden đắc cử sẽ khôi phục lại trật tự cũ. (Ảnh minh họa: NYTimes)

Với các nước châu Âu, về cơ bản, việc ông Trump tái đắc cử giống như sự xác nhận Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo liên minh phương Tây. Ngoài việc hoài nghi tư cách thành viên của Mỹ trong NATO, ông Trump còn coi Liên minh châu Âu (EU) là đối thủ và tìm cách chia rẽ các nước châu u với việc như ủng hộ Anh rời EU. Nhiều người lo ngại, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ thiếu kiềm chế hơn.
Trong khi đó, tại Anh, giới chức nước này lo ngại rằng, nếu ông Biden đắc cử, Mỹ sẽ ít quan tâm đến những ưu tiên hàng đầu của họ với Washington - thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ. Về phía người dân Anh, các khảo sát dư luận cho thấy, ông Biden được yêu thích hơn so với ông Trump.

Các lãnh đạo Trung và Đông Âu ủng hộ việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới với Nga. Tổng thống Bosnia Herzegovina Milorad Dodik kêu gọi người Mỹ gốc Serbia bỏ phiếu cho ông Trump.

Với hàng nghìn người xin tị nạn đang kẹt ở biên giới phía bắc Mexico, họ hy vọng ông Biden sẽ đắc cử sau các chính sách nhập cư gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump. Ở Nigeria, nơi có cả dân cư theo Đạo hồi và Cơ đốc giáo, tín đồ tại các nhà thờ có thể sẽ cầu nguyện cho ông Trump tái đắc cử.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in dường như tin rằng cách tiếp cận của ông Trump nhiều khả năng mang lại đột phá trong vấn đề Triều Tiên hơn so với của ứng viên Biden. Tuy nhiên, giờ đây, người dân Hàn Quốc lại tỏ ra mệt mỏi với những hứa hẹn của ông Trump, Cheon Seong-whun, cựu giám đốc Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, nhận định.

Tại Trung Đông, nơi chính sách đối ngoại của ông Trump có tác động lớn nhất, một chiến thắng của đảng Dân chủ có thể khiến các lãnh đạo Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ "mất bạn" ở Mỹ, Hisham Melhem, chuyên gia phân tích của báo Annahar Al Arabi của Li Băng, nhận định.

Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử ngày 3/11 để quyết định chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Cuộc đua giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden đang bước vào giai đoạn gay cấn đặc biệt ở các bang chiến trường.

Trong những ngày cuối cùng trước bầu cử, cả ông Trump và ông Biden đều tích cực vận động tại các bang chiến trường như Florida, Pennsylvania. Các khảo sát cho thấy ông Biden hiện vẫn dẫn trước chủ nhân Nhà Trắng, song ông Trump đang thu hẹp dần cách biệt.