Thế giới hối thúc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Ukraine
(Dân trí) - Dư luận thế giới phản ứng trái chiều trước những diễn biến chóng vánh tại Ukraine, đặc biệt là việc Nga có thể đưa quân tới Crimea. Sự chia rẽ ngày càng giãn rộng giữa Nga và EU, trong bối cảnh các đối tác của Nga trong G8 đã lên tiếng chỉ trích Mátxcơva.
Trả lời phỏng vấn báo chí tại thủ đô Bắc Kinh ngày 2/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới tình hình ở Ukraine hiện nay.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc tình hình tại Ukraine... Chúng tôi hối thúc tất cả các bên ở nước này giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình phù hợp với luật pháp, bảo vệ quyền chính đáng của người dân thuộc mọi sắc tộc và khôi phục trật tự xã hội càng sớm càng tốt", ông Tần Cương nói.
Đối với các bên liên quan ở bên ngoài, ông Tần Cương kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Có những căn nguyên dẫn đến tình hình hiện nay ở Ukraine... Trung Quốc đang theo sát mọi diễn biến và kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đối thoại nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm khi được hỏi về quan điểm của Bắc Kinh trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin được Thượng viện phê chuẩn sử dụng sức mạnh quân sự tại Ukraine khi cần thiết.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Hai nhà lãnh đạo đồng ý thành lập “phái đoàn điều tra sự thật” đặt dưới sự điều phối của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) để khởi động các cuộc đối thoại chính trị.
Trái ngược phát biểu của Trung Quốc và Đức, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cáo buộc Nga "đang đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Âu".
"Những gì mà Nga đang làm ở Ukraine vi phạm các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Nó cũng đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Âu", ông Rasmussen tuyên bố trước khi bước vào phiên họp khẩn cấp của NATO và Ủy ban Ukraine-NATO tại thủ đô Brussels của Bỉ.
"Ukraine là láng giềng của chúng tôi và Ukraine là một đối tác quan trọng của NATO… Tôi đặc biệt kêu gọi Nga có những hành động hạ nhiệt căng thẳng (ở Crimea)", ông Rasmussen nói thêm.
Tuy nhiên, trong thông báo sau khi kết thúc cuộc họp khẩn cấp của 28 thành viên NATO, tổ chức này đã nhất trí kêu gọi các bên kiềm chế, tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại với sự can dự của các định chế quốc tế như HĐBA LHQ hay OSCE. Dự kiến OSCE sẽ nhóm họp trong ngày 3/3 để thảo luận về tình hình Ukraine.
Nhóm G7 chỉ trích Nga
Các đối tác của Nga trong nhóm G8 đã lên án sự tăng cường quân sự của Mátxcơva tại Ukraine trong bối cảnh có các nỗ lực ngoại giao mới nhằm ngặn chặn cuộc khủng hoảng leo thang.
Nhóm G7 đã hối thúc Nga tiến hành đối thoại với Ukraine để giải quyết các lo ngại an ninh và nhân quyền.
Trong một tuyên bố được Nhà Trắng công bố ngày 2/3, nhóm G7 viết: "Chúng tôi, các lãnh đạo của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ và Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu, hôm nay cùng lên án sự vi phạm rõ ràng của Nga đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
"Chúng tôi quyết định hiện thời sẽ không tham gia các hoạt động liên quan tới việc chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi vào tháng 6 tới", tuyên bố viết.
Các bộ trưởng tài chính G7 cho biết họ sẵn sàng "cung cấp tài chính để hỗ trợ Ukraine". An Bình |