Thế giới đã trải qua mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm
(Dân trí) - Nghiên cứu công bố ngày 14/5 cho thấy mùa hè năm 2023 là nắm nắng nóng kỷ lục 2000 năm qua, gây ra hàng loạt tác động xấu tới con người.
Cháy rừng trên khắp Địa Trung Hải, tắc nghẽn đường phố ở Texas, khủng hoảng điện ở Trung Quốc... là một vài trong những hậu quả của đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè năm ngoái.
Trước đó, giới khoa học từng kết luận mùa hè 2023 ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1940, khi các số liệu bắt đầu được ghi lại. Mới đây, công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy trên thực tế, sức nóng mùa hè 2023 có thể còn vượt xa hơn, sau khi đối chiếu với những dữ liệu khí tượng từ những năm 1800 cùng các dữ liệu về nhiệt độ dựa trên phân tích các vòng sinh trưởng của cây.
Nghiên cứu cho thấy trên các vùng đất nằm trong khoảng từ 30 độ đến 90 độ vĩ Bắc, nhiệt độ mùa hè 2023 cao hơn mức trung bình thời tiền công nghiệp 2,07 độ C.
Dựa trên dữ liệu vòng sinh trưởng của cây, nhiệt độ những tháng mùa hè năm ngoái cũng cao hơn 2,2 độ C so với nhiệt độ trung bình ước tính từ năm 1 tới năm 1890.
Đồng tác giả bài nghiên cứu, Jan Esper, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Johannes Gutenberg của Đức, cho biết: "Khi nhìn vào chiều dài lịch sử, bạn sẽ thấy vấn đề nóng lên toàn cầu đang nghiêm trọng đến mức nào".
Thậm chí, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu nói rằng, nhiều khả năng, 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất trong khoảng 100.000 năm qua.
Tuy nhiên, ông Esper cho biết, ông và 2 nhà khoa học châu Âu khác đã tranh luận trong một bài báo nghiên cứu: "Các phương pháp khoa học hiện tại, bao gồm dữ liệu nhiệt độ thu được từ các nguồn như trầm tích biển hoặc mỏ than bùn, là không đủ để so sánh nhiệt độ giữa các năm trong phạm vi thời gian rộng như vậy".
Theo ông, sức nóng gay gắt của mùa hè năm ngoái đã phần nào được khuếch đại bởi El Nino.