Thế giằng co trong cuộc tái đấu Trump - Biden
Trong số hơn 70 cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm "siêu bầu cử" 2024, cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ được dự đoán là sự kiện lớn nhất, thu hút sự quan tâm chú ý nhất của thế giới, không chỉ vì đây là cuộc bầu cử có thể làm thay đổi lãnh đạo tại một siêu cường đứng đầu thế giới, mà còn bởi kết quả của nó sẽ có thể ảnh hưởng tới cục diện chính trị, kinh tế toàn cầu.
Không phải chờ đến ngày bầu cử chính thức tại Mỹ (5/11/2024), chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đã nóng lên ngay từ khi diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ của các đảng tại các bang, bắt đầu từ tháng 1/2024 tại bang Iowa, để lựa chọn ứng cử viên tổng thống của từng đảng.
Cuộc đối đầu Trump - Biden
Các cuộc bầu cử sơ bộ đến 4/6 mới kết thúc và ứng cử viên cuối cùng của đảng Cộng hòa sẽ chỉ được quyết định tại cuộc họp đảng ở Milwaukee vào ngày 15-18/7, trong khi ứng viên cuối cùng của đảng Dân chủ sẽ được quyết định tại cuộc họp đảng ở Chicago vào ngày 19-22/8.
Tuy nhiên, đến ngày 5/3, sau khi diễn ra cùng một lúc các cuộc bầu cử sơ bộ tại 16 bang, hay còn được gọi là ngày Siêu Thứ Ba, ứng cử viên của mỗi đảng đã cơ bản lộ diện.
Nếu cuối năm ngoái, có tới 9 ứng cử viên đảng Cộng hòa, 4 ứng cử viên đảng Dân chủ và 2 ứng cử viên độc lập, cho đến nay do các quy định tranh cử phức tạp và nhất là do thiếu khả năng tài chính để duy trì một chiến dịch tranh cử tốn kém, nhiều ứng cử viên đã sớm bỏ cuộc.
Những ứng cử viên còn trụ lại là những người huy động được nhiều tiền nhất cho chiến dịch tranh cử, gồm đương kim Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ huy động được gần 90 triệu USD; cựu Tổng thống Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa huy động được gần 80 triệu USD và ông Robert F. Kennedy Jr., người đang tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập, quyên góp được 22 triệu USD.
Cuộc đua vào Nhà Trắng do vậy hiện chỉ còn lại một ứng cử viên của đảng Cộng hòa là cựu tổng thống Donald Trump và hai ứng cử viên của đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden và ông Dean Phillips, dân biểu của bang Minnesota, nhưng ông này cũng có thể sớm bị đánh bại bởi Tổng thống Biden trong vòng sơ bộ tiếp theo.
Bên cạnh đó còn 4 ứng cử viên độc lập là ông Kennedy Jr., có cha là thượng nghị sĩ Mỹ bị ám sát và Jill Stein, một nhà hoạt động môi trường và Cornel West, một triết gia và học giả chính trị.
Tuy nhiên, lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ cho thấy chưa có ứng cử viên độc lập nào có thể giành được chiến thắng, ngoại trừ việc có thể làm giảm số phiếu bầu đối với ứng cử viên của một trong 2 đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay gần như chắc chắn là cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump. Đây sẽ là lần tái đấu đầu tiên giữa các tổng thống, kể từ cuộc bầu cử năm 1956.
Sau khi được các đảng đề cử, ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ chọn một người liên danh tranh cử phó tổng thống và bắt đầu tiến hành các chiến dịch vận động bầu cử nước rút, bao gồm cả các cuộc tranh luận trên truyền hình trong tháng 9 và tháng 10/2024.
Cuối cùng, các cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 5/11 để bầu các "đại cử tri" của các bang từ các đại diện được chọn từ mỗi đảng. Những đại cử tri đó cam kết sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của đảng tại cuộc họp tại Điện Capitol tại Washington ngày 17/12.
Số đại cử tri tương đương với số ghế tại Hạ viện và Thượng viện cộng lại là 538 ghế. Do vậy, ứng cử viên tổng thống phải có được ít nhất 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng.
Thế giằng co giữa 2 ứng cử viên
Giữa đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump, ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới? Các cuộc khảo sát tiến hành trong tháng 3 của Reuters/Ipsos và Civiqs/Daily Kos cho thấy, Tổng thống Biden đã vươn lên dẫn trước ông Trump với cách biệt là 1%.
Mặc dù vậy, các kết quả thăm dò đều chỉ mang tính chất tương đối, Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump vẫn được đánh giá là hai ứng cử viên "ngang tài ngang sức" và thế giằng co giữa hai bên sẽ còn được duy trì trong một thời gian nữa.
Vấn đề đầu tiên là ai sẽ giành được lợi thế tại những bang lớn tại Mỹ, vì số phiếu đại cử tri sẽ được quyết định bởi quy mô dân số của mỗi bang. Tuy nhiên, lợi thế của cả hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump ở các bang lớn gần như ngang nhau.
Trong khi ông Biden có lợi thế nhờ sự ủng hộ truyền thống đối với đảng Dân chủ tại 2 bang lớn là California gần 40 triệu dân và bang New York hơn 20 triệu dân, ông Trump có lợi thế nhờ ảnh hưởng truyền thống của đảng Cộng hòa tại 2 bang Texas gần 30 triệu dân và Florida gần 22 triệu dân.
Do vậy, theo các chuyên gia, yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 tới là nhóm cử tri độc lập. Theo khảo sát năm 2023, khoảng 1/4 người Mỹ chưa quyết định sẽ bầu cho ứng viên nào, thậm chí nhiều người dự báo tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu năm nay sẽ thấp nhất từ trước tới nay.
Nhóm cử tri độc lập sẽ tập trung ở các bang chiến địa Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.
Tại các bang này, những vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm nhất là những vấn đề đối nội, đặc biệt là kinh tế, chi tiêu tài chính, phúc lợi, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cùng với các vấn đề xã hội như nhập cư, tuổi nghỉ hưu và phá thai và tội phạm, kiểm soát súng, quyền LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới), liêm chính trong bầu cử, sự sụt giảm dân chủ, biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, những vấn đề nổi cộm trong chính sách đối ngoại là lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc, xung đột Ukraine - Nga, cuộc chiến của Israel - Hamas ở Gaza.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 có thể sẽ được quyết định bởi cuộc tranh luận về những vấn đề trên tại 6 bang chiến địa.
Tại Arizona, nơi có chung gần 600km biên giới với Mexico, nhập cư sẽ là một vấn đề quan trọng nhất. Bang Georgia là nơi xảy ra vụ án hình sự truy tố cựu tổng thống Trump vì can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Kinh tế bang này cũng đang bùng nổ nhờ dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mới như sản xuất pin.
Tại bang Michigan, cuộc chiến của Israel ở Gaza là một vấn đề tiềm ẩn đối với Tổng thống Biden vì đây là nơi có hơn 100.000 cử tri người Mỹ gốc Ả Rập. Ông Trump sẽ dốc toàn lực ở bang Michigan, để lợi dụng việc các cử tri phản đối Tổng thống Biden ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Palestine cũng như hành động quân sự của Israel ở Gaza.
Thông điệp kinh tế sẽ rất quan trọng ở Nevada, nơi đại dịch Covid-19 tấn công các sòng bạc của bang và quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp. Tại bang Pennsylvania, vấn đề môi trường và phát triển ngành công nghiệp khai thác đá phiến sẽ quyết định số phiếu đại cử tri của mỗi đảng.
Tại bang Wisconsin, vấn đề quyền phá thai sẽ ảnh hưởng tới thái độ của cử tri.
Ai sẽ giành chiến thắng?
Tồn tại tình trạng giằng co nói trên là do cả hai ứng cử viên Biden và Trump đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Ông Biden được coi là người dẫn dắt nước Mỹ thoát khỏi đại dịch, kiểm soát được lạm phát, tái phục hồi nền kinh tế hiện có tốc độ tăng trưởng là 2,5%, đem công ăn việc làm trở lại cho người dân Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ nếu tiếp tục cải thiện trước ngày bầu cử tháng 11 tới sẽ tạo lợi thế cho Tổng thống Biden.
Về hạn chế, Tổng thống Biden đang phải đối mặt với vấn đề tuổi tác và sức khỏe (ở tuổi 81, ông là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ). Bên cạnh đó, nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, rất nhiều người nghèo ở Mỹ trong tình trạng tồi tệ hơn so với 4 năm trước.
Hàng tiêu dùng ở Mỹ vẫn còn đắt so với một năm trước và đắt hơn rất nhiều so với thời ông Trump làm tổng thống. Túi tiền là vấn đề mà hầu hết người dân Mỹ nghĩ đến khi bỏ phiếu.
Tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã trở thành một thảm họa mà chính quyền Biden phải thừa nhận là chưa thể khắc phục. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến con trai ông là Hunter Biden.
Cuộc khủng khoảng nhân đạo ở Trung Đông liên quan đến dải Gaza, người Palestine và Israel đang tác động đến một bộ phận dân cư ở các bang như Michigan. Trước đây, cử tri trong bang ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng nay họ không khẳng định là sẽ ủng hộ hay không ủng hộ, tạo ra "phong trào không cam kết" của giới cử tri gốc Palestine.
Từ nay đến ngày bầu cử, nếu ông Biden không tác động được vào nhóm này, điều đó sẽ là một bước lùi.
Cuối cùng là khoảng cách về mức độ nhiệt tình của cử tri, khi nhiều người dù không ủng hộ ông Trump, nhưng cũng không đi bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu cho ai, khiến ông Biden có thể bị thất thế so với đối thủ.
Trong khi đó, ông Trump cũng có thế mạnh vì trong nhiệm kỳ của ông, nền kinh tế Mỹ vận hành khá tốt. Cùng với đó, ông Trump được sự ủng hộ rất lớn từ nhóm cử tri trung thành, bao gồm những người thuộc phong trào MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), người Mỹ da màu và người gốc Mỹ Latinh, vốn được hưởng lợi về kinh tế giai đoạn ông nắm quyền (2016-2020).
Rất nhiều người đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2016, 2020 sẽ tiếp tục ủng hộ ông một lần nữa. Bất chấp những rắc rối pháp lý, ông Trump nhận được sự ủng hộ 100% của những người MAGA.
Ông Trump cũng đang vận động các nhóm thiểu số tốt hơn so với năm 2016, 2020 và điều khá chắc chắn vào ngày bầu cử là rất nhiều cử tri thuộc nhóm đối tượng này sẽ đi bỏ phiếu cho ông.
Tuy nhiên, thách thức đáng kể nhất đối với ông Trump là nhiều cáo trạng, nhiều phiên tòa, vốn không chỉ làm xấu đi hình ảnh cá nhân, mà còn khiến ông tốn nhiều thời gian và sức lực cho mùa tranh cử khi phải thường xuyên có mặt tại các phòng xử án.
Ông Trump có đến hơn 90 tội danh trong 4 vụ kiện lớn. Và nếu Tòa án tối cao phán quyết ông Trump có tội liên quan đến vụ bạo loạn năm 2021 ở Đồi Capitol, đây sẽ là điểm trừ rất lớn cho ông.
Một điểm yếu nữa là tính cách cực đoan, chủ nghĩa dân túy và khẩu hiệu "nước Mỹ là trên hết" của ông Trump đang gây ra sự phân hóa ngày càng lớn trong lòng nước Mỹ nói chung và đảng Cộng hòa nói riêng.
Trong bối cảnh hiện nay, cả hai ứng cử viên đều cố gắng thu hút cử tri bằng việc đưa ra cương lĩnh tranh cử, vạch ra đường hướng phát triển đất nước trong 4 năm tới. Ngày 7/3, Tổng thống Biden đã trình bày bản Thông điệp liên bang để củng cố vị thế, gạt bỏ những lo ngại về tuổi tác và chứng minh cho cử tri thấy ông xứng đáng tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ 4 năm.
Ông nhấn mạnh Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng (Obamacare), tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang.
Về đối ngoại, chú trọng mục tiêu đảm bảo tương lai cho nước Mỹ và duy trì cam kết với các đồng minh và đối tác, nhất là các liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đảm bảo cạnh tranh và kiềm chế các đối thủ chiến lược là Nga và Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Trung Đông, củng cố và nâng cao vai trò dẫn dắt của Mỹ tại các diễn đàn đa phương, đưa ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu...
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump cũng nêu một số cam kết để thu hút cử tri như mở "chiến dịch trục xuất nội địa" lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, xóa sổ các băng đảng ma túy, thay thế Obamacare, đóng cửa Bộ Giáo dục và đưa "toàn bộ công tác giáo dục trở lại các bang", xây dựng 10 thành phố mới...
Về đối ngoại, ông Trump tiếp tục yêu cầu các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, tuyên bố nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine, khôi phục lệnh cấm đi lại với công dân một số quốc gia Hồi giáo.
Trong chiến lược đưa việc làm trở lại Mỹ, ông cũng hứa sẽ tiếp tục thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Đề xuất của ông còn bao gồm kế hoạch kéo dài 4 năm nhằm loại bỏ dần tất cả hàng hóa nhập khẩu thiết yếu từ Trung Quốc, cũng như ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và chấm dứt các khoản đầu tư của công ty Mỹ vào Trung Quốc.
Với những gì đang diễn ra trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ hiện nay, khó có thể dự đoán ai giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới tại Mỹ. Điều có thể dự báo là cuộc tranh cử tổng thống Mỹ từ nay tới ngày 5/11 sẽ còn nóng lên hơn nữa do tầm quan trọng địa chính trị của nó.
Cuộc tranh cử càng trở nên mong manh và bất định trước những biến động khó lường trên trường quốc tế hiện nay, không loại trừ cả những nỗ lực từ nhiều tác nhân khác nhau nhằm tác động vào cuộc bầu cử hoặc tranh thủ sự hỗn loạn trong tranh cử tại Mỹ để giành lợi thế trong chính trị quốc tế.
Đại sứ Tôn Sinh Thành
Tác giả: Đại sứ Tôn Sinh Thành nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan nhiệm kỳ 2014 - 2018. Ông hiện là giảng viên cao cấp tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.