1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thất bại cay đắng của ông Trump và đường gập ghềnh phía trước

(Dân trí) - Chỉ trong hơn 60 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông Donald Trump đã hứng chịu các thất bại liên tiếp: dự luật y tế bị rút, lệnh cấm nhập cảnh hai lần bị tòa án “ngáng đường”, những lùm xùm về quan hệ Nga. Rõ ràng ông chủ Nhà Trắng đang đối mặt với chặng đường gập ghềnh và đầy chông gai phía trước.

Ông Trump phát biểu từ Nhà Trắng sau khi Trumpcare bị rút


Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: NYMag)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: NYMag)

Thất bại cay đắng trong 100 ngày đầu tại vị

Tờ The Atlantic cho rằng thứ Sáu vừa rồi là ngày tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống non trẻ của ông Donald Trump, khi dự luật chăm sóc y tế Mỹ của ông (được gọi là Trumpcare) bị rút ngay trước khi nó được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện do không có đủ sự ủng hộ từ chính đảng Cộng hòa.

Việc loại bỏ và thay thế chương trình chăm sóc y tế Obamacare của chính quyền tiền nhiệm là ưu tiên lập pháp đầu tiên của ông Trump, đồng thời là lời hứa tiêu biểu của đảng Cộng hòa trong 7 năm qua và cũng là một trong những cam kết hàng đầu của chính ông trong chiến dịch tranh cử.

Vì thế, sự thất bại của Tổng thống Trump nhằm hiện thực hóa lời hứa chủ chốt trong chiến dịch tranh cử, ngay cả khi đảng Cộng hòa của ông đang kiểm soát cả hai viện của quốc hội, đã khiến Nhà Trắng “lao đao”.

Sự thất bại Trumpcare đã làm suy yếu Tổng thống Trump, tạo động lực cho đảng Dân chủ và khiến những tuyên bố của ông rằng ông sẽ là người quyết định cuối cùng, có thể thay đổi Washington, ngày càng trở nên hão huyền.

Các thị trường chứng khoán lớn của Mỹ đã giảm điểm sau khi ông Trump gặp thất bại về dự luật y tế mới.

“Thất bại nhằm thông qua kế hoạch cải cách y tế đã khiến các thị trường nghi ngờ về sự tín khả năng trở thành hiện thực của các kế hoạch kích thích tài chính đầy tham vọng của ông Trump”, AFP dẫn lời ông Christopher Vecchio, một nhà chiến lược của trang giao dịch tiền tệ DailyFX, nhận định.

Trong 2/3 chặng đường của 100 ngày đầu nhậm chức, ông Trump giờ đây vẫn chưa tới gần chiến thắng pháp lý quan trọng nào. Thất bại về cải cách chăm sóc y tế không phải là vấn đề duy nhất mà ông gặp phải. Sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông đã hai lần bị các tòa án chặn lại. Đề nghị ngân sách, trong đó đề xuất cắt giảm mạnh chi tiêu cho ngoại giao để tăng chi tiêu cho quân đội, đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ tại quốc hội. Mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga cũng đang phủ bóng lên Nhà Trắng.

CNN nhận định rằng số phận nhiệm kỳ của tỷ phú Donald Trump có thể sẽ phụ thuộc vào điều mà ông sẽ làm tiếp theo.

Ông Trump và các cố vấn giờ đây phải tập hợp lại và cố gắng tìm cách tránh một thất bại pháp lý tồi tệ tương tự trong vấn đề lớn tiếp theo mà họ định theo đuổi: cải cách thuế. Họ sẽ phải thận trọng vì biết rằng một thất bại thứ hai có thể lật đổ ông Trump khỏi ghế tổng thống.

Các trợ lý của ông Trump từng xem kế hoạch cải cách chăm sóc y tế, ban đầu được dự đoán là dễ dàng được thông qua, là một cách để tạo động lực cho nhiệm kỳ tổng thống của ông và nhằm tiến tới một sự thay đổi sâu rộng lớn trong chương trình nghị sự đầy tham vọng mà ông Trump đặt ra.

Chặng đường phía trước không trải hoa hồng

Sau thất bại của Trumpcare, chính quyền Trump giờ đây đang hi vọng về một sự chặng đường ít sóng gió hơn về cải cách thuế, kỳ vọng rằng vấn đề này sẽ ít gây chia rẽ hơn trong các phe phái của đảng Cộng hòa.

Dự luật chăm sóc y tế được kỳ vọng giúp tiết kiệm những khoản tiền lớn, tạo thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch cắt giảm thuế. Nhưng do dự luật y tế thất bại nên bất kỳ khoản cắt giảm thuế nào cũng sẽ gây thâm hụt ngân sách liên bang. Trên thực tế, thất bại về dự luật y tế đồng nghĩa với việc hàng trăm tỷ USD tiết kiệm ngân sách liên bang mà Nhà Trắng dự kiến cung cấp cho kế hoạch cắt giảm thuế giờ đây không còn nữa.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói rằng kế hoạch cải cách thuế giờ đây dự kiến sẽ có quy mô nhỏ hơn so với những gì được lên kế hoạch trước đó và vấn đề nên được giải thích với công chúng là vì việc bãi bỏ Obamacare không xảy ra nên sẽ thiếu 1 nghìn tỷ USD để giải quyết kế hoạch cải cách thuế.

Bản thân Tổng thống Trump ý thức rõ rằng ông đã thất bại trong việc đưa ra một vấn đề vốn khơi lên các đam mê về nền tảng chính trị của ông. Ông cũng ý thức được rằng thảm họa chăm sóc y tế có thể khiến kế hoạch cải cách thuế của ông trở nên khó khăn hơn nhiều.

“Điều đó khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều ở phía trước”, CNN dẫn lời một cố vấn của ông Trump.

“Chăm sóc y tế là một vấn đề rất, rất phức tạp. Thuế là một vấn đề đơn giản hơn”, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói hôm 24/3. Và Phó tổng thống Mike Pence hôm 25/3 cho hay các nghị sĩ sẽ sớm biết các chi tiết.

Vài ngày trước khi các nỗ lực của đảng Cộng hòa hòa hủy bỏ và thay thế Obamacare thất bại, Tổng thống Trump thậm chí còn hứa hẹn thúc đẩy kế hoạch cắt giảm thuế “lớn nhất kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan”, nói rằng nó sẽ rất “thú vị”. Nhưng việc cải cách thuế, điều không được thực hiện kể từ 1986, không phải dễ dàng. Vài tổng thống, cả Dân chủ và Cộng hòa, đã thất bại do những rào cản về thủ tục hoặc những thỏa hiệp phức tạp để đi đến thành công.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, một thành viên của đảng Cộng hòa, cũng thừa nhận rằng thất bại về chăm sóc y tế khiến việc cải tổ thuế trở nên khó khăn hơn, nhưng không có nghĩa là không thể.

Tất nhiên, 66 ngày đầu nhậm chức là quá sớm để đánh giá một nhiệm kỳ tổng thống 4 năm. Nhưng rõ ràng là ông Trump khó lòng chịu được việc lặp lại một thất bại thảm hại như dự luật y tế khi ông hướng tới các cuộc chiến pháp lý lớn khác phía trước.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm 2018, một số cố vấn của ông Trump lo ngại rằng thất bại của ông Trump về dự luật chăm sóc y tế sẽ là một điểm cộng cho các đối thủ chính trị của họ.

An Bình