1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thành phố Canada quan ngại hệ lụy do "cơn thủy triều" tiền mặt từ Trung Quốc

(Dân trí) - Thành phố Vancouver, Canada đang thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn làn sóng tiền từ Trung Quốc đổ sang, do lo ngại những hệ lụy về kinh tế, xã hội từ hiện tượng này.

Nhân viên thu ngân sòng bài Starlight đổi tiền mặt thành chip (Ảnh: CPBC)
Nhân viên thu ngân sòng bài Starlight đổi tiền mặt thành chip (Ảnh: CPBC)

Một chiếc xế hơi màu đen tiến đến sòng bài Starlight ở ngoại ô Vancouver. Người tài xế bước ra, chào một người đàn ông mặc đồ đỏ trước khi đưa 2 chiếc túi nilon màu trắng ra khỏi cốp xe. Anh ta bước vào tiệm mì bên cạnh sòng bài, giao những chiếc túi trước khi quay trở ra.

Người đàn ông áo đỏ mang chiếc túi vào trong sòng bạc, bước qua hành lang với những tấm kính toàn tiếng Anh và tiếng Trung. Tại khu vực thu ngân, người này mở chiếc túi ra. Hàng nghìn tờ tiền 20 đôla Canada, được xếp thành từng cọc khác nhau và buộc bởi dây thun vàng. Nhân viên thu ngân nhanh chóng đưa số tiền vào máy. Sau khoảng 10 phút kiểm liên tục, số tiền đã được đếm xong có tổng giá trị là 250.000 đôla Canada (tương đương 192.000 USD).

Khoản tiền trên được quy đổi thành các đồng chip đánh bạc. Những đồng chip này có thể sẽ không được dùng để chơi trên bàn bài, nó có thể được mang quy đổi ngược trở lại tiền mặt ở bất cứ nơi đâu tại Vancouver mà không bị truy hỏi về nguồn gốc xuất xứ hay bị quản lý.

Cuộc giao dịch “chớp nhoáng” ở Starlight xảy ra vào một ngày mùa Đông năm 2009 và đoạn video ghi lại cảnh này mới được giới chức bang British Columbia công bố vào năm nay. Đây là một trong hàng chục nghìn giao dịch được thực hiện tại Vancouver trong 10 năm qua.

Giới chuyên gia thậm chí còn có một thuật ngữ riêng mang tên “mô hình Vancouver” ám chỉ sự pha trộn giữa dòng tiền “sạch” và “bẩn” ở các sòng bài, các dự án bất động sản, hàng hiệu sang trọng. Giới quan sát cho rằng đây là kết quả từ chính sách quản lý tài chính có phần lỏng lẻo của Vancouver cộng với động thái đẩy tiền đầy toan tính từ giới “nhà giàu” Trung Quốc.

Theo Bloomberg, những gì đang xảy ra ở Vancouver được coi là một trong những dòng chảy tài chính lớn nhất trong thế kỷ 21. Các triệu phú, tỷ phú Trung Quốc đưa tiền sang nước ngoài nhằm bảo toàn khối tài sản, bất chấp sự kiểm soát dòng vốn chảy ra nước ngoài đầy nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh. Theo một thống kê của Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ), dòng tiền Trung Quốc đổ ra nước ngoài ước đạt 800 tỷ USD.

Những tác động

Thành phố Vancouver (Ảnh: Bloomberg)
Thành phố Vancouver (Ảnh: Bloomberg)

Tại Vancouver, “cơn thủy triền” tiền mặt từ Trung Quốc đã tạo nên tác động kịch tính tới kinh tế, các yếu tố nhân khẩu học. Tại những con phố trầm mặc, các cửa tiệm bán đồ hiệu sang trọng, siêu xe, khách sạn 5 sao mọc lên. Tất cả những nơi này dều có nhân viên nói tiếng Trung.

Phần nhiều tiền ở đây đều được kiếm một cách hợp pháp hoặc nằm trong”vùng xám”, thuật ngữ ám chỉ luồng tiền không hoàn toàn được kiếm bằng phương pháp không vi phạm. Tuy nhiên, giới chức Vancouver cho rằng khoản tiền từ “vùng xám” chiếm một phần đáng kể và gây nên những hệ lụy về tham nhũng hoặc tội phạm, bao gồm vấn nạn buôn lậu chất gây nghiện như fentanyl.

Người dân Vancouver cũng không mấy mặn mà với những khoản tiền này. Họ cho rằng giá nhà đất đã tăng phi mã khi có tầng lớp người giàu Trung Quốc xuất hiện và đầu cơ bất động sản. Những ý kiến chỉ trích nói rằng nền kinh tế thành phố đã bị “bóp méo” bởi những người nước ngoài.

Chính quyền bang British Columbia đang nỗ lực xây dựng một khung chính sách mới trên mọi lĩnh vực nhằm ngăn chặn dòng tiền Trung Quốc tiếp tục đổ vào nước này. Họ đã bắt đầu phương án như tăng thuế, siết chặt các quy tắc đảm bảo minh bạch trong hoạt động tài chính, cũng như kiểm soát chặt chẽ hoạt động của sòng bạc và các tổ chức tài chính.

Những người mua sắm tại phố Alberni, Vancouver (Ảnh: Bloomberg)
Những người mua sắm tại phố Alberni, Vancouver (Ảnh: Bloomberg)

Theo Bloomberg, những thay đổi này sẽ rất khó khăn do Vancouver từ lâu đã có mối liên kết gần gũi với châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng từ cuối thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, các công nhân Trung Quốc đầu tiên đã đặt chân tới xây dựng đường xe lửa xuyên Canada.

Vancouver được coi là thành phố có chính sách thân thiện với người nhập cư. Mặt khác, trước đây, họ cũng không có những nguồn lực đủ mạnh để trở thành trung tâm tài chính nếu thiếu đi nguồn vốn từ châu Á.

Tuy nhiên, khoản tiền đến với tốc độ quá nhanh và quy mô quá lớn trong 10 năm qua dường như đã biến Vancouver trở thành thành phố lớn ở Phương Tây đầu tiên trải nghiệm tác động từ nguồn vốn của Trung Quốc.

Ảnh hưởng rõ ràng nhất đó chính là vấn đề nhà đất. Khi người Trung Quốc dùng tiền để thâu tóm các bất động sản, những dãy phố ở Vancouver trở nên thiếu đi những cư dân sống dài hạn. Người trẻ tuổi tại đây mất dần hy vọng về việc có thể mua được nhà do giá nhà đất leo thang phi mã.

Thực tế là dù chính quyền Vancouver có tiến hành các biện pháp đánh thuế cao hơn với những nhà đầu tư không có quốc tịch hoặc thường trú dài hạn khi mua nhà đất, đây vẫn là một bài toán hóc búa. Theo các nhà nghiên cứu, những nhà đầu tư nước ngoài ở Vancouver hay Canada nói chung đã tìm những phương pháp khác nhau để “lách” qua những chính sách này. Họ nhờ thân nhân Canada đứng tên mua nhà, hoặc thông qua những công ty vỏ bọc.

Năm 2016, tổ chức Minh bạch Quốc tế (Đức) cho biết có tới gần như một nửa trong danh sách 100 công trình đắt đỏ nhất Vancouver, thuộc về những triệu phú, tỷ phú ẩn danh và không thể truy nguồn gốc. Tổng khoản tiền từ các công trình này tương đương ít nhất 1 tỷ đô la Canada.

Ngoài ra, vấn đề rửa tiền trong các sòng bài cũng được coi là “nhức nhối”. Một nghiên cứu do Tổng chưởng lý British Columbia David Eby thực hiện cho thấy “hoạt động rửa tiền quy mô lớn, xuyên quốc gia đang xảy ra ở các sòng bài Vancouver”.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm