Chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư - “canh bạc” của giới trung lưu Trung Quốc
(Dân trí) - Vì lo ngại môi trường đầu tư trong nước gặp nhiều khó khăn, đồng thời muốn tìm kiếm cuộc sống mới ở một quốc gia có chính sách và môi trường tốt hơn, nhiều người thuộc giai cấp trung lưu ở Trung Quốc đã quyết tâm đổ tiền ra nước ngoài bất chấp những rủi ro có thể gặp phải.
Các công dân Trung Quốc Xin Piao, Raymond Zhang và Wendy Wang vốn là người xa lạ cho tới tháng 8, khi họ tham gia một nhóm trên mạng xã hội WeChat liên quan tới việc đòi lại tiền cọc mua sắm bất động sản ở Australia. Giống hơn 300 thành viên còn lại của nhóm, những người này từng quan ngại về tốc độ phát triển kinh tế có phần chững lại của Trung Quốc và đang tìm cách mua sắm nhà cửa, đất đai ở Australia để bảo toàn khối tài sản kiếm được.
Tuy nhiên, ý tưởng trên ẩn chứa vô số những rủi ro, khi số tiền họ dành dụm tích góp cả đời có thể biến mất. Trong trường hợp của Piao, Zhang và Wang, tiền của họ đã bị những người được gọi là “cố vấn đầu tư” cho các dự án bất động sản ở Australia cuỗm mất.
Tại Trung Quốc, 17 văn phòng của đại lý bất động sản Ausin China đã bất ngờ đóng cửa vào tháng 8. Sự biến mất bất ngờ của đại lý này đã kéo theo “số phận bất định” của khoản tiền cọc 49,6 triệu USD từ khoảng 200 người mua Trung Quốc tại 15 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Australia, theo SCMP.
Trải nghiệm có phần cay đắng của những người này một lần nữa cho thấy mối rủi ro ngày càng gia tăng từ nhu cầu đổ tiền ra nước ngoài của tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc để bảo toàn khối tài sản hay tìm kiếm thường trú dài hạn.
Những lo ngại
Theo SCMP, các công dân tại một số quốc gia có quyền chuyển tiền của họ đầu tư xuyên quốc gia. Quyết định của họ dựa vào sự cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích có thể nhận được, hiếm khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị bên trong.
Ngược lại, ngày càng nhiều các công dân Trung Quốc lựa chọn mang tiền ra nước ngoài nhưng do họ cảm thấy số tiền họ có được không đủ an toàn khi mang đầu tư trong nội bộ quốc gia, hoặc đơn giản là họ không thấy được tiềm năng của những khoản đầu tư này cho các dự án trong nước. Số khác muốn dùng tiền, chuyển sang thường trú ở một quốc gia khác để cuộc sống của họ và gia đình họ được cải thiện hơn.
Vấn đề lớn nhất với giới trung lưu Trung Quốc dường như là việc chính phủ nước này có xu hướng siết chặt dòng vốn đầu tư chảy ra các dự án nước ngoài. Bắc Kinh muốn khoản tiền kiếm được trong Trung Quốc phải được tái đầu tư tại Trung Quốc để hỗ trợ các dự án phát triển đất nước, dù các thương vụ này có thể không mang lại lợi ích, thậm chí gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Trong vài năm qua, thực tế là giai cấp trung lưu Trung Quốc đã kiếm lợi nhờ sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, họ dường như ngày càng cảm thấy không được an toàn về mặt tài chính khi chính phủ đang nỗ lực làm hạ giá thành bất động sản và các công cụ tài chính hỗ trợ họ trong việc đầu tư cho thấy “bong bóng bất động sản” ngày càng trở nên thiếu bền vững và có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Tình hình ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, dược phẩm giáo dục còn nhiều thiếu sót ở Trung Quốc cũng khiến những người trung lưu muốn mang tiền ra nước ngoài để “đổi đời”, và hi vọng con cái, gia đình cuộc sống tốt hơn.
Với suy nghĩ đó, Zhang cho biết anh cùng 14 người khác đã trả tiền để tham gia vào chương trình tham quan đầu tư ở Australia vào tháng 5.
“Tôi đã được thăm hàng chục dự án bất động sản ở Melbourne, Sydney và Brisbane, gồm các căn hộ sang trọng, nhà ở, biệt thự. Tôi thực sự phải lòng Australia từ giờ phút tôi đặt chân xuống đây. Giá cả bất động sản và mức sống ở mức chúng tôi có thể chi trả, chưa đề cập tới không khí trong lành, hệ thống luật pháp, giáo dục khá ổn cho gia đình tôi”, Zhang nói.
Trong thông điệp quảng cáo, Ausin cam kết rằng họ không thu tiền chương trình du lịch nhưng yêu cầu mỗi khách hàng đặt cọc 29.000 USD và cam kết sẽ hoàn trả lại khoản tiền 35 ngày sau khi khách hàng trở về đại lục.
Ausin Trung Quốc còn cam kết họ sẽ hỗ trợ việc chuyển từ nhân dân tệ sang tiền Australia để trả các dự án đầu tư. Đây dĩ nhiên là một yêu cầu hấp dẫn vì Bắc Kinh có những quy định nghiêm ngặt về việc đưa tiền ra thị trường nước ngoài. Sự siết chặt quy định của Trung Quốc phần nào đã khiến Ausin trở nên thu hút các nhà đầu tư vì họ giải quyết được mối băn khoăn của những người này.
Ngoài ra, Ausin là một thương hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc và họ giành được sự tin cậy từ các khách hàng lâu năm. Tuy nhiên, hồi tháng trước, tập đoàn Ausin có trụ sở chính ở Australia đã tuyên bố họ không còn liên quan tới 17 chi nhánh Trung Quốc và cáo buộc đại diện Trung Quốc của tập đoàn đã biển thủ phi pháp tiền đặt cọc của khách hàng.
Và Xin, Zhang, Wang đã trở thành nạn nhân của một âm mưu bài bản như vậy.
Siết chặt đầu tư từ Trung Quốc
SCMP cho biết Cơ quan hành chính ngoại giao Trung Quốc (SAFE) cùng một số cơ quan khác đã siết chặt lại dòng chảy đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài. Trong thông báo hồi cuối tháng 8, SAFE đã công bố 23 trường hợp cùng các mức phạt tương ứng do mua bất động sản ở nước ngoài và các hoạt động khác liên quan tới việc mang tiền ra thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng gây nên những tác động tới nền kinh tế và chính trị địa phương, khiến các nước như Australia và Mỹ trở nên dè chừng với dòng tiền Trung Quốc chảy sang thị trường nhà đất nước họ.
Australia là một trong những quốc gia đã siết chặt luật đầu tư nước ngoài nhằm hạn chế tình trạng này. Từ tháng 8/2016, Australia yêu cầu 4 ngân hàng lớn nhất không cho các nhà đầu tư nước ngoài không có nguồn thu nhập ở Australia vay tiền mua bất động sản.
Đầu năm nay, New Zealand cũng cấm các nhà đầu tư nước ngoài mua các dự án bất động sản, do nhu cầu nhà đất tăng cao từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đã đẩy giá nhà ở lên vượt ngoài tầm mua của nhiều người dân địa phương. Canada cũng đã đình chỉ chương trình thu hút các nhà đầu tư giàu có nước ngoài tới định cư và đổ tiền đầu tư ở Canada do lo ngại chương trình này có thể đẩy giá bất động sản leo thang không thể kiểm soát.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump dường như đang siết chặt lại việc cấp thị thực đầu tư EB-5. Quá trình xét duyệt và thông qua thị thực này có thể sẽ dài tới 10 năm, khiến dòng tiền đầu tư vào Mỹ từ các nhà đầu tư Bắc Kinh có xu hướng giảm.
Đức Hoàng
Theo SCMP