1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Thành công Iran” có thể lặp lại ở Triều Tiên?

Sau 16 năm đàm phán và 8 ngày thảo luận căng thẳng, cuối cùng Tehran đồng ý giảm mạnh hoạt động làm giàu uranium, đổi lấy việc phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Thực tế này đang dấy lên những hi vọng về việc đạt được đột phá tương tự về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un

Trên mạng Sputnik của Nga, chuyên gia Alexander Vorontsov, Trưởng Ban Hàn Quốc và Mông Cổ của Viện Phương Đông (Nga) nhận xét, đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên có những điểm tương đồng.

Cuộc đàm phán với Triều Tiên được tiến hành từ năm 2003, nhưng đến tháng 4 năm 2009, Bình Nhưỡng đã trục xuất các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc khỏi nước này, đồng thời tuyên bố rút khỏi cuộc đàm phán vì cho rằng, từ chỗ 6 thành viên bình đẳng, đàm phán đã trở thành phiên xét xử với 5 công tố viên và 1 bị cáo.

Kể từ đó, với các nỗ lực ngoại giao, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc, Triều Tiên đã thay đổi quan điểm và nhiều lần đánh tiếng muốn nối lại đàm phán. Tuy nhiên, khi Bình Nhưỡng bắt đầu có dấu hiệu “xuống thang” thì Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lại gắn cuộc đàm phán với một số điều kiện tiên quyết. Họ đòi Bình Nhưỡng phải chứng minh thái độ chân thành từ bỏ hạt nhân bằng hành động cụ thể trước khi trở lại bàn đàm phán, thậm chí còn công kích chế độ họ Kim.

Điều này khiến Bình Nhưỡng như bị “chạm phải nọc” và càng trở nên khó đoán về ý định thực sự.

Một số nhà phân tích cho rằng, thái độ của Washington, Tokyo và Seoul đơn giản là chỉ tạo ra cái cớ để không nối lại đàm phán, để tiếp tục chính sách cấm vận và cô lập Triều Tiên. Họ hi vọng rằng chế độ Bình Nhưỡng sẽ suy yếu và sớm bị hạ bệ dưới chính sách gây áp lực.

Tổng thống Mỹ Barack Obam hôm 22/1/2015 còn công khai nói về sự sụp đổ chế độ của Triều Tiên, gọi đó là chế độ khép kín, bị trừng phạt và cô lập nhất địa cầu. Đáp lại, Bình Nhưỡng cũng thề không nối lại đàm phán với “bè lũ gangster” Mỹ, đồng thời đe dọa đáp trả bất cứ “hành động gây hấn chiến tranh” nào của Washington bằng tấn công hạt nhân và chiến tranh mạng.

Rõ ràng, ở phương Tây đang diễn ra một cuộc đấu tranh giữa những người thực sự ủng hộ nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên với những người ngoài miệng thì lúc nào cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phi hạt nhân hóa, đòi nối lại, nhưng trong thực tế lại chần chừ xúc tiến việc này.

Tuy nhiên, sự thành công của cuộc đàm phán với Iran đang làm dấy lên hi vọng sẽ tăng cường vị thế của phía ủng hộ nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng, theo chuyên gia Vorontsov, cũng phải nhấn mạnh rằng, khác với tình hình Iran, chính quyền Washington ít được tự do hơn. Mỹ phải ngó chừng các đồng minh Tokyo và Seoul – những người luôn theo dõi chặt chẽ mối liên hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Mặt khác, Washington cũng cần phải lưu ý đến tinh thần chống Triều Tiên mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, có nhiều điều phụ thuộc vào quan điểm, thái độ của Tổng thống. Tổng thống Bill Clinton từng tuyên bố chuẩn bị chiến tranh với Triều Tiên nhưng kết thúc lại bằng đàm phán mang tính xây dựng và gần như sẵn sàng chấp nhận Bình Nhưỡng về mặt ngoại giao. Tổng thống Bush (con) ban đầu đưa Triều Tiên vào danh sách “trục ma quỷ” nhưng sau đó lại chuyển sang đối thoại. Biết đâu, trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Obama lại muốn lập một một thành công mới trong chính sách đối ngoại, tương tự như thỏa thuận hạt nhân với Iran?

Theo Linh Phương (tổng hợp)
PetroTimes