1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thắng lợi ngay ngày đầu của COP28

Quốc Đạt

(Dân trí) - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) giành được chiến thắng ngay ngày mở đầu 30/11, sau khi các đại biểu nhất trí lập quỹ mới giúp nước nghèo đối phó thảm họa khí hậu tốn kém.

Thắng lợi ngay ngày đầu của COP28 - 1

Logo của COP28 UAE được hiển thị trên màn hình một sự kiện ở Abu Dhabi, UAE vào ngày 16/1 (Ảnh: Reuters).

Quyết định này đã gửi đi "tín hiệu tích cực về động lực cho thế giới và cho công việc của chúng ta ở Dubai", Reuters dẫn lời Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber.

Sau khi quỹ được thành lập, chính phủ một số nước và khu vực đã công bố các khoản đóng góp, bao gồm 100 triệu USD từ nước chủ nhà COP28 Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, ít nhất 51 triệu USD từ Anh, 17,5 triệu USD từ Mỹ, và 10 triệu USD từ Nhật Bản.

Liên minh châu Âu cam kết 245,39 triệu USD, trong đó 100 triệu USD là cam kết của Đức.

Bước đột phá sớm về quỹ "thất thoát và thiệt hại" (L&D) có thể giúp đưa đến những thỏa hiệp khác trong quá trình các bên cùng đàm phán tại COP28, dự kiến kéo dài 2 tuần.

Alden Meyer của tổ chức tư vấn E3G đánh giá việc thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại có nghĩa là "không có bên nào sử dụng L&D làm con bài thương lượng gắn liền với các vấn đề khác".

Vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu - đặc biệt là trách nhiệm đóng góp của các nước giàu có lượng phát thải lớn trong quá khứ - đã trở thành tâm điểm trong công tác đối phó khủng hoảng khí hậu của thế giới.

Các nước dễ bị tổn thương sẽ phải đối mặt với thiệt hại lên tới 580 tỷ USD liên quan đến khí hậu vào năm 2030 và con số này sẽ tiếp tục tăng lên, theo Ani Dasgupta, Chủ tịch và CEO tổ chức phi lợi nhuận Viện Tài nghiên Thế giới, cho biết.

Một số tổ chức khác có thái độ thận trọng trước việc thành lập quỹ mới vì cho rằng vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm cách thức tài trợ bổ sung trong tương lai.

"Việc không xác định chu kỳ bổ sung ngân sách đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững lâu dài của quỹ này", Harjeet Singh, người đứng đầu phòng chiến lược chính trị toàn cầu tại tổ chức Climate Action Network International, cho biết.

Theo Reuters, Nikkei