1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Quái kiệt” Berlusconi

Thần khẩu hại xác phàm

Trong những bước thăng trầm trên chính trường, ông Berlusconi vẫn luôn ra vẻ tự tôn và nổi tiếng với những lời lẽ dễ gây xìcăngđan.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Silvio Berlusconi bước vào chính trường, kênh truyền hình Canale 5 gác lại chương trình thường ngày và dành buổi phát hình trong 2 giờ để vinh danh nhà lãnh đạo tài ba Berlusconi, ông chủ của mình. Ông Sandro Bondi, thư ký của Đảng Forza Italy do ông Berlusconi sáng lập, tâng bốc rằng đảng này cần ông Berlusconi “dắt tay như một đứa trẻ” và sẽ cần ông giúp đỡ trong 30 năm nữa. Luận điệu như vậy cho thấy đối với một số người thân tín, ông Berlusconi không chỉ là nhà lãnh đạo không thể thay thế mà còn là lãnh tụ “bất tử” nữa.

 

Hoạn lộ thăng trầm

 

Ông Berlusconi lên làm thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử tháng 3/1994 khi Đảng Forza Italy giành được đa số tương đối tại Quốc hội Italy chỉ sau khi chính thức thành lập được 3 tháng. Tuy nhiên, nội các này sụp đổ sau 7 tháng cầm quyền do bất đồng trong nội bộ liên minh trung hữu. Ông tiếp tục tranh chức thủ tướng hồi năm 1996 nhưng lần này ông bị đối thủ Romano Prodi đánh bại.

 

Tháng 6/2001, ông giành lại chức thủ tướng với tư cách người đứng đầu liên minh Ngôi nhà tự do bao gồm: Forza Italy, Liên minh Dân tộc, Liên hiệp Dân chủ Thiên Chúa giáo, Liên đoàn Miền Bắc và vài đảng nhỏ khác. Chính phủ lần thứ hai này của ông Berlusconi không ổn định với 19 lần thay đổi nhiều vị trí then chốt như các bộ ngoại giao, kinh tế, nội vụ và cả phó thủ tướng nữa. Nội các này có lần lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng hồi giữa tháng 4/2004 do có 2 đảng lớn tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền buộc ông phải từ chức do chính phủ do ông cầm đầu mất thế đa số. Tuy nhiên 1 tuần sau đó, ông tích cực đàm phán và thành lập được chính phủ liên minh mới mà không cần một cuộc tổng tuyển cử sớm.

 

Nhờ nắm được phương tiện truyền thông nên ông Berlusconi có nhiều thuận lợi hơn đối phương trong vận động tranh cử. Tuy nhiên, nhà báo Giulio Anselmi, giám đốc hãng tin Ansa, nhận định: “Người Italy quay lưng lại với Berlusconi không phải vì họ có đủ thông tin để có thể thay đổi ý kiến mà bởi vì những gì họ nghe và đọc trên phương tiện truyền thông thường mâu thuẫn với thực tế mà họ chứng kiến”. Trong những năm ông làm thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế Italy hầu như bằng không và thâm hụt ngân sách lên đến 30% cho dù ông Berlusconi vẫn tự hào về tài quản lý của mình.

 

Người nói hớ của hành tinh

 

Bất chấp cương vị thủ tướng, một vị trí cần phải cư xử đúng mực, Thủ tướng Berlusconi luôn có những phát ngôn không đúng lúc, những lời nói đùa thiếu lịch sự. Cựu thủ tướng Italy Massimo d’Alema gán cho ông biệt danh “người nói hớ của hành tinh”. Do vậy các cố vấn và trợ lý của Berlusconi thường ngăn cản cánh nhà báo tháp tùng các chuyến công du của ông. Ông Berlusconi từng tự nhận mình là “nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc nhất châu Âu và thế giới”, là “Chúa Jesus của chính trị”. Ông còn nói: “Tôi không cần dùng quyền lực để có được chức vụ. Tôi có nhà cửa khắp nơi trên thế giới, có những chiếc du thuyền lộng lẫy, có máy bay, vợ đẹp, gia đình êm ấm. Tôi muốn cống hiến.”

 

Có lẽ vì dính dáng nhiều đến các vụ kiện tụng nên ông rất ghét ngành tư pháp. Ông từng mạt sát các quan tòa là “lũ điên”. Đã nhiều lần thủ tướng không giữ thể diện ngoại giao khi ông so sánh một nghị sĩ Nghị viện châu Âu người Đức với một lính canh Đức quốc xã. Ông cũng không hề giữ ý tứ khi đề cập đến vấn đề tình dục và phụ nữ không đúng lúc. Trong đợt tranh cử vừa qua, ông hứa sẽ triệt để kiêng chuyện phòng the trong 2 tháng rưỡi để “đáp ứng mong đợi của cử tri”.

 

Tại thị trường chứng khoán New York, ông Berlusconi từng kêu gọi đầu tư vào nước Italy vì nơi đó có “những cô thư ký xinh đẹp, những cô gái tuyệt vời”. Khi nhận định về lịch sử, ông cũng thiếu nghiêm túc: “Mussolini không giết ai cả, ông ấy chỉ cho người ta đi nghỉ hè ở cõi vĩnh hằng.”

 

Nhưng dù sao đi nữa ông Berlusconi vẫn là vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất kể từ sau thế chiến thứ hai và trên thực tế kết quả bầu cử vừa qua cho thấy ông vẫn còn được nhiều cử tri ủng hộ – ông chỉ thua ông Romano Prodi khoảng 25.000 phiếu bầu, trong khi nước Italy có đến 47 triệu cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua.

 

Theo Trúc Lâm

Người lao động

Dòng sự kiện: Berlusconi