Tham vọng "thâu tóm" Greenland, ông Trump đánh canh bạc chiến lược
(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đánh "canh bạc" lớn khi tuyên bố sẽ tìm cách mua hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến việc kiểm soát Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch ở Bắc Cực và là hòn đảo lớn nhất thế giới.
Lần đầu tiên ông Trump bày tỏ ý định mua Greenland vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Lần này, ông dường như nghiêm túc hơn, không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh kinh tế hoặc quân sự để kiểm soát hòn đảo này.
Các quan chức Đan Mạch và châu Âu lập tức có động thái đáp trả, khẳng định Greenland không phải để bán và toàn vẹn lãnh thổ của hòn đảo phải được bảo vệ.
Tình huống bất thường này có thể diễn ra như thế nào, khi hai đồng minh NATO bất đồng quan điểm về một vùng lãnh thổ rộng lớn với 80% diện tích bị băng bao phủ, nhưng có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào chưa được khai thác?
Khát vọng độc lập của 56.000 người dân Greenland, dưới sự kiểm soát của Đan Mạch trong 300 năm, có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng như thế nào?
Mối quan tâm lâu đời của Mỹ
Khi ông Trump lần đầu đề nghị mua Greenland vào năm 2019, ông đã bị chỉ trích rộng rãi và không có chuyện gì đáng kể xảy ra, ngoại trừ chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch bị hủy bỏ. 6 năm sau, "lời đề nghị" mới của ông Trump đối với hòn đảo lớn nhất thế giới tiếp tục gây xôn xao dư luận.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 7/1, tổng thống Mỹ mới đắc cử không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Gre enland. Ông Trump đã cử con trai Donald Trump Jr "và nhiều đại diện khác" đến đây vào ngày 8/1 để nhấn mạnh sự nghiêm túc của mình. Ngoài ra, với sự tham gia của tỷ phú Elon Musk trong kế hoạch thâu tóm này, tiền có thể không phải là trở ngại đối với bất kỳ thỏa thuận nào mà ông Trump muốn thực hiện.
Ông Trump không phải chính trị gia Mỹ đầu tiên tìm cách mua Greenland. Nỗ lực sớm nhất được ghi chép lại để mua hòn đảo này có từ năm 1868.
Nỗ lực nghiêm túc gần nhất trước thời Trump là chính quyền Tổng thống Harry S. Truman vào năm 1946. Do đó, sự quan tâm mới của ông Trump đối với Greenland nằm trong truyền thống lâu đời của Mỹ nhằm nỗ lực mở rộng lãnh thổ.
Greenland đặc biệt giàu có các loại "khoáng sản quan trọng". Theo báo cáo năm 2024 của báo Economist, hòn đảo này được biết đến là nơi có các mỏ của 43 trong số 50 loại khoáng sản. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, các loại khoáng sản này rất cần thiết cho "các công nghệ sản xuất, truyền tải, lưu trữ và bảo tồn năng lượng" và có "nguy cơ cao gây gián đoạn chuỗi cung ứng".
Mối lo ngại của Mỹ về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng là điều dễ hiểu, vì Trung Quốc - nhà cung cấp chính của một số khoáng sản quan trọng cho thị trường toàn cầu - đã tăng cường hạn chế xuất khẩu như một phần của cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên của Greenland sẽ giúp Washington đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng hơn và hạn chế bất kỳ đòn bẩy nào mà Trung Quốc có thể sử dụng.
Giá trị chiến lược của hòn đảo lớn nhất thế giới
Vị trí chiến lược của Greenland khiến nơi này trở nên có giá trị đối với Mỹ. Một căn cứ hiện có của Washington, Căn cứ Không gian Pituffik, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cảnh báo sớm và phòng thủ tên lửa của Mỹ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát không gian. Việc mở rộng căn cứ trong tương lai cũng có thể tăng cường năng lực của Mỹ trong việc giám sát các hoạt động của hải quân Nga ở Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương.
Chủ quyền của Mỹ đối với Greenland, nếu đề xuất của ông Trump được thông qua, cũng sẽ ngăn chặn hiệu quả mọi động thái của các đối thủ, nhằm giành được chỗ đứng trên hòn đảo này. Điều này có thể ít đáng lo ngại hơn nếu Greenland vẫn là một phần của Đan Mạch, thành viên NATO, quốc gia đã duy trì nền kinh tế của hòn đảo này với khoản tài trợ hàng năm khoảng 500 triệu USD.
Sự độc lập của Greenland có thể mở ra cánh cửa cho nhiều khoản đầu tư nước ngoài hơn và ít bị quản lý hơn. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ rất muốn tham gia nếu có cơ hội.
Trong bối cảnh hợp tác an ninh ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc, cũng như việc Moscow được cho là trở nên mạnh hơn về mặt quân sự, lập luận của ông Trump có vẻ đáng tin hơn. Ông Trump cũng không phải nhà lãnh đạo duy nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo: Canada, Đan Mạch và Na Uy gần đây đều phản đối sự gia tăng hiện diện của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.
Mỹ coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực là một vấn đề an ninh trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng. Trong bối cảnh này, Greenland không thể phủ nhận là một mắt xích an ninh đặc biệt đối với Mỹ.
Lỗ hổng trong đề xuất của ông Trump
Một vấn đề đặt ra hiện nay là tầm nhìn "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống đắc cử Trump khi tìm kiếm giải pháp. Ông khăng khăng cho rằng Mỹ cần kiểm soát Greenland và sẽ đạt được mục tiêu này, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ phải áp thuế đặc biệt đối với hàng xuất khẩu của Đan Mạch hoặc sử dụng vũ lực.
Một kịch bản dễ đoán là Greenland và Đan Mạch đã từ chối "lời đề nghị" mới của ông Trump. Trong khi đó, các đồng minh chủ chốt, bao gồm Pháp và Đức, đã vội vã bảo vệ đồng minh của họ.
Thay vì củng cố an ninh của Mỹ, ông Trump có thể đang làm suy yếu nó một cách hiệu quả bằng cách một lần nữa làm suy yếu liên minh phương Tây.
Thay vì đầu tư vào việc tăng cường hợp tác an ninh với Đan Mạch và các đồng minh NATO cũng như châu Âu để đối phó với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực và các khu vực khác, ông Trump và đội ngũ của mình có thể nghĩ rằng Mỹ có thể thoát khỏi điều này. Tuy nhiên, điều này có thể tác động đến mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh thân cận nhất. Do vậy, đây là một canh bạc lớn với chính quyền Trump.
Không có cường quốc nào trong lịch sử có thể tự mình hành động mãi mãi - và ngay cả khi chiếm hữu Greenland, bằng mọi cách, cũng khó có thể thay đổi điều này.
Stefan Wolff, giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, nhận định với trang tin Asia Times rằng, không có cường quốc nào trong lịch sử có thể tự mình hành động mãi mãi. Ngay cả khi Mỹ kiểm soát Greenland bằng mọi cách, Washington cũng khó có thể thay đổi điều này.
Các kịch bản có thể xảy ra
Theo các nhà phân tích của đài BBC, 4 kịch bản có thể xảy ra cho tương lai của Greenland.
Ông Trump mất hứng thú và không có chuyện gì xảy ra
Một số nhà quan sát suy đoán rằng những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump chỉ là lời nói suông, một động thái để Đan Mạch tăng cường an ninh cho Greenland trước mối đe dọa từ cả Nga và Trung Quốc khi hai nước này đang tìm cách gây ảnh hưởng trong khu vực.
Tháng trước, Đan Mạch đã công bố một gói quân sự mới trị giá 1,5 tỷ USD cho khu vực Bắc Cực. Gói này đã được chuẩn bị trước khi ông Trump tuyên bố muốn mua lại Greenland, nhưng được thông báo chỉ vài giờ sau phát ngôn của tổng thống đắc cử Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch mô tả tình huống này là "sự trớ trêu của số phận".
"Điều quan trọng trong tuyên bố của ông Trump là Đan Mạch phải hoàn thành nghĩa vụ của mình ở Bắc Cực hoặc phải để Mỹ làm điều đó", Elisabet Svane, phóng viên chính trị của báo Politiken, giải thích.
Marc Jacobsen, phó giáo sư tại Trường Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, tin rằng ông Trump chỉ muốn "xây dựng hình ảnh trước khi nhậm chức", trong khi Greenland đang tận dụng cơ hội này để gia tăng vị thế quốc tế, coi đây một bước quan trọng hướng tới nền độc lập cho hòn đảo.
Vì vậy, ngay cả khi ông Trump mất hứng thú với Greenland, điều mà giáo sư Jacobsen cho là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, tổng thống đắc cử Mỹ đã khiến Greenland trở thành vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận.
Tuy nhiên, vấn đề độc lập cho Greenland đã nằm trong chương trình nghị sự suốt nhiều năm qua và một số người cho rằng cuộc tranh luận thậm chí có thể diễn ra theo hướng ngược lại.
"Tôi nhận thấy trong vài ngày qua, lãnh đạo Greenland đã bình tĩnh hơn trong các bình luận của họ, như: "Chúng tôi muốn độc lập, nhưng đó là vấn đề về lâu dài", phóng viên Svane nói thêm.
Greenland bỏ phiếu độc lập, tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ
Có một sự đồng thuận chung ở Greenland rằng hòn đảo này cuối cùng sẽ độc lập và nếu người dân Greenland bỏ phiếu cho kịch bản đó, Đan Mạch sẽ chấp nhận và phê chuẩn.
Tuy nhiên, cũng khó có khả năng Greenland sẽ bỏ phiếu độc lập, trừ khi người dân của hòn đảo này được đảm bảo rằng họ có thể giữ lại các khoản trợ cấp mà họ đang nhận được từ Đan Mạch để chi trả cho những dịch vụ như chăm sóc sức khỏe và hệ thống phúc lợi.
"Lãnh đạo Greenland có thể đang giận dữ ngay bây giờ, nhưng trong trường hợp ông thực sự tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, ông sẽ cần một số câu chuyện thuyết phục về cách cứu nền kinh tế và hệ thống phúc lợi của Greenland", Ulrik Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, nhận định.
Nếu Greenland tuyên bố độc lập, bước đi tiếp theo có thể là một hình thức liên kết tự do, tương tự cách Mỹ đang duy trì với các quốc gia ở Thái Bình Dương gồm Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau.
Trước đây, Đan Mạch đã phản đối quy chế như vậy đối với cả Greenland và Quần đảo Faroe, nhưng theo tiến sĩ Gad, Thủ tướng Đan Mạch đương nhiệm Mette Frederiksen không hoàn toàn phản đối.
"Sự hiểu biết của Đan Mạch về kinh nghiệm lịch sử của Greenland tốt hơn nhiều so với 20 năm trước", ông Gad cho biết.
Các cuộc thảo luận gần đây "có thể đã thuyết phục Thủ tướng Frederiksen rằng, một phương án tốt hơn là giữ Đan Mạch ở Bắc Cực, duy trì một số hình thức kết nối với Greenland, ngay cả khi đó là một kết nối lỏng lẻo hơn", ông Gad nói thêm.
Tuy nhiên, ngay cả khi Greenland tách hoàn toàn khỏi Đan Mạch, trong những năm gần đây, rõ ràng họ không thể tách khỏi Mỹ. Người Mỹ chưa bao giờ thực sự rời đi sau khi kiểm soát hòn đảo này trong Thế chiến II và coi đó là điều quan trọng đối với an ninh của họ.
Một thỏa thuận vào năm 1951 đã khẳng định chủ quyền cơ bản của Đan Mạch đối với hòn đảo này, nhưng trên thực tế, đã trao cho Mỹ quyền kiểm soát bất cứ điều gì họ muốn.
Tiến sĩ Gad cho biết, các quan chức Greenland đã liên lạc với hai chính quyền Mỹ gần đây nhất để trao đổi về vai trò của Washington.
"Bây giờ họ biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ rời đi", ông nói.
Ông Trump tăng cường sức ép kinh tế
Nhiều người đồn đoán rằng, tuyên bố về sức ép kinh tế của ông Trump có khả năng là mối đe dọa lớn nhất đối với Đan Mạch. Mỹ có thể sẽ tăng mạnh thuế quan đối với hàng hóa của Đan Mạch hoặc thậm chí là EU, buộc Đan Mạch phải nhượng bộ về Greenland.
Giáo sư Jacobsen cho biết chính phủ Đan Mạch đã chuẩn bị cho kịch bản này, không chỉ vì vùng lãnh thổ Bắc Cực.
Ông Trump đã dọa áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Cùng với các biện pháp khác, việc áp thuế có thể làm gián đoạn đáng kể sự tăng trưởng của châu Âu. Một số công ty Đan Mạch và châu Âu khác đang cân nhắc việc thành lập các cơ sở sản xuất tại Mỹ.
Theo Benjamin Cote tại công ty luật quốc tế Pillsbury, các biện pháp có thể được sử dụng để tăng thuế bao gồm viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA).
Một trong những ngành công nghiệp chính của Đan Mạch có khả năng bị ảnh hưởng là dược phẩm. Mỹ đã nhận các sản phẩm như máy trợ thính và hầu hết insulin từ Đan Mạch, cũng như thuốc điều trị bệnh tiểu đường Ozempic do công ty Novo Nordisk của Đan Mạch sản xuất.
Các nhà phân tích cho biết nguy cơ tăng giá các sản phẩm do các biện pháp áp thuế gây ra sẽ không được người dân Mỹ ủng hộ.
Ông Trump hành động quân sự với Greenland
"Lựa chọn hạt nhân" có thể khó xảy ra. Tuy nhiên, với việc ông Trump không loại trừ hành động quân sự, điều này cần được cân nhắc.
Về cơ bản, Mỹ có thể sẽ không gặp khó khăn nếu muốn giành quyền kiểm soát hòn đảo, vì Washington đã có căn cứ và rất nhiều binh lính ở Greenland.
"Trên thực tế, có thể coi Mỹ đã kiểm soát hòn đảo rồi", giáo sư Jacobsen nói, đồng thời cho biết những tuyên bố của ông Trump dường như thiếu thông tin và ông không hiểu mục đích của những tuyên bố này.
Tuy nhiên, bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào của Washington cũng sẽ dẫn đến một sự kiện quốc tế. Cả Mỹ và Đan Mạch đều là thành viên của liên minh NATO.
"Nếu Mỹ hành động quân sự với Greenland, tức là họ cũng hành động quân sự với NATO. Điều 5 sẽ được kích hoạt. Nếu một quốc gia NATO xâm chiếm NATO thì sẽ không còn NATO nữa", phóng viên Svane nói.
Điều 5 trong Hiến chương NATO là điều khoản về phòng thủ tập thể. Theo điều khoản này, bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một thành viên của NATO đều bị coi là tấn công hay đe dọa toàn liên minh. Khi đó, NATO có thể cân nhắc các biện pháp đáp trả tập thể.
"Ông ấy nói rằng chúng tôi có quyền hợp pháp để kiểm soát vùng lãnh thổ này. Nếu chúng ta thực sự coi tuyên bố của ông ấy là nghiêm túc, đây là điềm xấu cho toàn bộ liên minh phương Tây", tiến sĩ Gad cảnh báo.
Theo Asia Times, BBC, Newsweek