Tham vọng của Trung Quốc khi lập hệ thống định vị cạnh tranh GPS của Mỹ
(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc thiết lập hệ thống định vị toàn cầu cạnh tranh tranh với GPS của Mỹ có thể giúp Bắc Kinh giảm phụ thuộc vào hệ thống của Washington trong lĩnh vực quân sự.
Trung Quốc ngày 23/6 đã phóng vệ tinh cuối cùng trong mạng lưới định vị Beidou của nước này, trở thành đối thủ mới của hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, GLONASS (Nga), Galileo (EU). Trong khi đó, Ấn Độ và Nhật Bản vận hành các hệ thống quy mô nhỏ hơn.
GPS hiện là hệ thống phổ biến nhất với người dùng thế giới, khi được tích hợp trên nhiều phần mềm,ứng dụng.
Theo giới quan sát, Trung Quốc rất kỳ vọng rằng Beidou có thể trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu với GPS. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng GPS “vẫn chiếm hầu hết thị phần”.
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc thúc đẩy một hệ thống định vị mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.
CNN dẫn lời chuyên gia Andrew Dempster, giám đốc trung tâm nghiên cứu kỹ thuật không gian Australia, cho rằng Beidou “không có gì đặc biệt. Đó chỉ là thông điệp của người Trung Quốc rằng họ cũng có hệ thống định vị”.
Các hệ thống định vị toàn cầu thường sử dụng 4 vệ tinh cùng một lúc để tìm chính xác một thiết bị kết nối trên bản đồ. Mỹ xây dựng GPS từ 1973, trong khi Nga phát hiển GLONASS năm 1979. Hai nước này các hệ thống đi vào hoạt động từ năm 1995. Trung Quốc bắt đầu phát triển hệ thống định vị từ năm 1994.
Theo ông Dempster, một lợi ích của việc nắm điều khiển hệ thống định vị là trong kịch bản xảy ra xung đột, một quốc gia có thể bóp méo tín hiệu hoặc tắt hệ thống của đối thủ để giành được lợi thế.
Năm 2014, nhà phân tích, cựu nhân viên tình báo Mỹ Kevin McCauley từng cho biết quân đội Trung Quốc vào thời điểm đó phụ thuộc phần lớn vào hệ thống GPS để định vị.
Ông Dempster cho rằng việc phát triển Beidou có thể có lợi cho Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh 2 quốc gia đang gia tăng căng thẳng trên nhiều mặt trận.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc có thể không chỉ thúc đẩy việc Beidou trở thành đối thủ cạnh tranh với GPS trong lĩnh vực dân sự. Gần đây, đồng minh Pakistan của Bắc Kinh đã được cấp phép tiếp cận vào mạng lưới Beidou sau khi ngắt khỏi hệ thống GPS. Các chuyên gia dự đoán, những đề xuất cấp phép tương tự có thể được đưa ra với các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.
Đức Hoàng
Tổng hợp