1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc tính xây dựng hệ thống định vị tại Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị chính xác cao tại Biển Đông để hỗ trợ cho tàu ngầm và thiết bị tự hành của Bắc Kinh.

Trung Quốc tính xây dựng hệ thống định vị tại Biển Đông - 1

Tàu ngầm không người lái Qianlong III của Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị khu vực có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống Bắc Đẩu dưới nước, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu. Thông tin trên do một nhà phát triển hệ thống định vị chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) hôm 22/3.

Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn.

Huang Chudan, chánh văn phòng phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải, hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

“Những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu. Do vậy, tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái không thể dùng những hệ thống vệ tinh định vị hiện có. UGPS sẽ dùng tín hiệu sóng âm thanh thay vì sóng vô tuyến cho việc định vị dưới nước”, ông Huang cho biết.

Tuy vậy, Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải không tiết lộ UGPS sẽ hoạt động hiệu quả ở độ sâu bao nhiêu dưới đáy biển, cũng như mức độ chính xác của hệ thống này.

Theo thông tin từ phòng thí nghiệm trên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc dự tính xây dựng một vùng ứng dụng UGPS bao trùm 250.000 km Biển Đông.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở dưới đáy biển để phục vụ hoạt động quốc phòng và khoa học của tàu ngầm không người lái tại Biển Đông.

Nơi đặt căn cứ dưới biển của Trung Quốc có thể nằm ở phần sâu nhất của đại dương (từ 6.000 - 11.000m). Các nhà khoa học ước tính dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ Nhân dân tệ (160 triệu USD).

Các tàu ngầm robot sẽ được triển khai để khảo sát đáy biển, ghi chép thông tin về các sinh vật sống dưới biển và thu thập các mẫu khoáng sản. Đóng vai trò như một phòng thí nghiệm độc lập, căn cứ dưới biển của Trung Quốc sẽ phân tích các mẫu do tàu ngầm thu được và gửi thông tin lên mặt nước.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ gần đây liên tục triển khai máy bay, tàu hải quân tới Biển Đông để thực hiện chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải. 

Washington công kích các động thái bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, bao gồm các yêu sách khẳng định chủ quyền phi lý và việc bồi đắp cũng như quân sự hóa trái phép các đảo tại vùng biển này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây đã chỉ trích hành vi xây đảo “trái phép” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh ngăn cản phát triển năng lượng tại vùng biển này thông qua các biện pháp “cưỡng ép”.

Ngày 14/3, hai máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ đã bay qua Biển Đông lần thứ 2 trong vòng 10 ngày. 
Hồi đầu năm, Hải quân Mỹ cũng đưa các tàu tới gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông trong một động thái được cho là nắn gân Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo Global Times