Tham vọng bành trướng và sự cô lập tất yếu của Trung Quốc
(Dân trí) - Theo ông Chu Công Phùng, Trung Quốc càng phát triển, càng thể hiện ý đồ bành trướng của mình bao nhiêu thì Trung Quốc càng trở lên cô lập bấy nhiêu.
Trung Quốc đang tính toán những gì? Liệu tham vọng bá quyền của họ có dễ dàng được thực hiện như những tuyên bố của họ không?Dân Trítiếp tục có cuộc trao đổi với Ông Chu Công Phùng - nguyên Bí thư chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nguyên Phó Giám đốc Học viện quan hệ Quốc tế Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar -xung quanh vấn đề này.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải là do sự suy yếu về ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á không, thưa ông? Ông có cho rằng một trật tự thế giới mới đang được Trung Quốc tìm cách tạo nên ở châu Á?
Tôi cho rằng sự trỗi dậy, lớn mạnh của Trung Quốc là kết quả của sự cải cách mở cửa về kinh tế của họ, điều này là tất yếu. Hiện nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc về cả kinh tế lẫn quân sự ở cấp khu vực và trên thế giới. Việc nước này là chủ nợ và cũng là nhà đâu tư lớn ở nhiều quốc gia khắp các châu lục Âu, Á, Phi đã tạo ra cho Trung Quốc một thế đứng khá mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, Trung Quốc phát triển về quân sự, bành trướng ở Biển Đông là chính sách nhất quán của Trung Quốc chứ không phải trong một sớm một chiều. Mục tiêu chiến lược của họ là muốn độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông là sân sau của họ, từ đó khống chế các nước Đông Nam Á, tiến ra Thái Bình Dương để cạnh tranh quyền lực với Mỹ.
Mặt khác, xu thế đa cực sau Chiến tranh Lạnh đã khiến Mỹ khó có thể đóng vai trò lãnh đạo thế giới như trước. Mỹ sa lầy trong các cuộc chiến ở Trung Đông, Bắc Phi, kinh tế chưa ổn định sau suy thoái khiến tiếng nói của Mỹ mất dần trọng lượng trong những căng thẳng quốc tế. Mỹ cũng rút các căn cứ quân sự của mình tại các nước đồng minh ở Đông Nam Á… Đây được cho là thời cơ có một không hai mà Trung Quốc chớp lấy để lấp "khoảng trống quyền lực" và thực hiến hóa “Giấc mộng Trung Hoa trên biển”.
Tuy nhiên, giữa mộng tưởng của Trung Quốc và thực tế còn khác nhau khá xa. Không chỉ các nước Đông Nam Á ngày càng cảnh giác với Trung Quốc mà các nước lớn ngoài khu vực cũng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc và can dự vào việc bảo vệ hòa bình an ninh trong khu vực Biển Đông. Tiêu biểu là Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục về châu Á- Thái Bình Dương, cương quyết cảnh báo và răn đe các hành động phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi nghĩ, sau khi thăm dò phản ứng của các nước nhất là Mỹ, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trước khi quá muộn.
Câu hỏi quan trọng nhất vào lúc này là Trung Quốc sẽ làm gì sau khi chuyển vũ khí tới đảo nhân tạo ở Trường Sa? Tiếp tục quá trình xây dựng hay tận dụng sức mạnh quân sự để đánh bật các nước khác khỏi tranh chấp, thưa ông?
Theo tôi, việc Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân và triển khai vũ khí tới đảo nhân tạo ở Trường Sa là một động thái cực kỳ nguy hiểm. Trung Quốc đang tìm cách áp đặt quyền kiểm soát lên một trong những tuyến đường biển nhạy cảm bậc nhất thế giới. Điều này cũng cho thấy tham vọng lâu dài của nước này là duy trì hiện diện quân sự thường trực ở khu vực Biển Đông. Không khó để dự đoán các bước đi tiếp theo của Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận, diễn tập hải quân kết hợp với lực lượng quân sự trên đảo. Mỗi lần tập trận họ sẽ ra lệnh cấm tàu bè, máy bay các nước qua lại khu vực này. Từ đó, nghiễm nhiên áp dụng quyền chủ quyền hoặc áp đặt hạn chế lưu thông hàng hải và hàng không quốc tế ở khu vực.
Tiếp theo, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ thành lập cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” như họ đã thực hiện ở Hoa Đông, yêu cầu máy bay các nước đi qua phải xin phép họ nếu không với số lượng vũ khí của họ trên đảo, họ sẽ sằn sàng tấn công các tàu thuyền hoặc máy bay nước ngoài đi qua khu vực này, cản trở tự do hàng hảng và hàng không ở Biển Đông. Xa hơn nữa, với các lực lượng được tranh bị vũ khí ở Trường Sa như vậy, Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ, gây sức ép thậm chí sẵn sàng dùng mọi cách để đánh chiếm các đảo ở quần đảo Trường Sa mà các nước Việt Nam, Philippines, Maylaysia đang đóng giữ. Điều này chứng tỏ, Bắc Kinh đã chấm dứt giai đoạn “giấu mình chờ thời” và bắt đầu “trỗi dậy không hòa bình” mà trước hết là đẩy mạnh chiến lược thôn tính các vùng biển xung quanh, nhằm mở rộng biên giới chiến lược ra xa biên giới địa lý quốc gia. Đây là những động thái hết sức nguy hiểm của Trung Quốc nếu không bị ngăn chặn kịp thời.
Trung Quốc là "kẻ không mời mà đến" ở quần đảo Trường Sa, bởi lẽ trước năm 1988, Trung Quốc không hề có mặt tại quần đảo này. Họ đã dùng vũ lực gây hấn chiếm đóng phi pháp các đảo bãi ở Trường Sa, nay còn tôn tạo, mở rộng và xây dựng căn cứ quân sự, dày mặt bất chấp phản đối của các nước liên quan và dư luận quốc tê,
Vậy theo ông, liệu những hành động “quân sự hóa” Biển Đông này có thực sự giúp Trung Quốc trở thành một “cường quốc hải quân thực sự” như những gì nước này mong muốn không?
Giữa tham vọng của Trung Quốc và thực tế khác nhau rất xa. Tuy rằng, hiện tại Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, sở hữu kho vũ khí hạt nhân và lực lượng quân sự lớn, nhưng tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Quốc khiến nước này hầu như không có bạn bè, không có đồng minh, uy tín chính trị ngày càng giảm sút. Thử hỏi hiện nay có quốc gia Đông Nam Á nào là bạn bè thực sự của Trung Quốc. Theo tôi, Trung Quốc càng phát triển, càng thể hiện ý đồ bành trướng bao nhiêu thì Trung Quốc càng trở lên cô lập bấy nhiêu. Xét về tư cách nước lớn thì Trung Quốc đã và đang là một nước lớn không có trách nhiệm với thế giới.
Việc xây dựng và bồi đắp những bãi đá và đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông đang bị cả thế giới lên án. Gần như, không có một sự ủng hộ của bất cứ quốc gia nào, dù là ủng hộ ngầm đối với những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Rõ ràng, công lý không thuộc về Trung Quốc.
Lịch sử đã chứng minh, khi không có chính nghĩa thì các thế lực đế quốc hiếu chiến không thể thực hiện được giấc mơ bá quyền của họ, nhất là khi họ đơn độc đối đầu với nhiều đối thủ và dư luận quốc tế, khi họ xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng.
Ông đánh giá như thế nào về những phản ứng của Việt Nam trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian vừa qua?
Tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có những bước đi hợp lý, thận trọng trong việc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta dường như chưa tận dụng hết các diễn đàn khu vực và quốc tế để phê phán, lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ. Tôi đồng ý với ý kiến của một vị đại biểu quốc hội: Quốc hội đang nợ nhân dân một nghị quyết về Biển Đông. Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để Quốc hội thể hiện trách nhiệm trước nhân dân. Thế giới đã có thái độ rõ ràng với Trung Quốc như vậy thì Việt Nam cũng phải thể hiện thái độ một cách rạch ròi, rõ ràng.
Chính sách của Đảng ta là “lấy dân làm gốc”, vì vậy Đảng và Nhà nước ta cần phải cho nhân dân biết và hiểu rõ về những hoạt động xâm lấn, bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, qua đó tham khảo ý kiến của nhân dân để có những ứng xử, thái độ đúng đắn và cương quyết đối với Trung Quốc.
Khi ta gặp khó khăn, bạn bè quốc tế lên tiếng ủng hộ là rất quý. Chúng ta cần trân trọng những sự ủng hộ đó, cho dù bạn bè có thể khác biệt với chúng ta về chế độ chính trị.