1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kịch bản nào xảy ra nếu Trung Quốc đối đầu với Mỹ?

(Dân trí) - Ông Chu Công Phùng - nguyên Bí thư chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nguyên PGĐ Học viện quan hệ Quốc tế Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho rằng nếu một kịch bản đối đầu xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông thì chắc chắn Trung Quốc sẽ ở thế cô lập.


Mỹ đang thể hiện là một nước lớn có trách nhiệm

Vấn đề Biển Đông đang nóng lên từng giờ, thế giới không chỉ dõi theo mọi động thái từ Bắc Kinh mà còn theo dõi các diễn biến từ Nhà Trắng. Ông nhận định như thế nào về những động thái mới đây của Mỹ?

Nếu như trước năm 2014, Mỹ vẫn còn giữ thái độ có phần thận trọng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, tránh công khai đối đầu với Trung Quốc thì trong vòng hơn một năm trở lại đây, mọi việc đã trở nên khác.Mỹ đang liên tục có những phát biểu mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất trong việc phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như tham vọng giành quyền thống trị khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.Từ đầu năm nay, Mỹ đã bắt đầu đưa máy bay tuần tra săn ngầm tối tân nhất - P-8A Poseidon tới Biển Đông. 

Ông Chu Công Phùng: Chắc chắn Mỹ sẽ có nhiều hành động và biện pháp cứng rắn trong thời gian tới
Ông Chu Công Phùng: "Chắc chắn Mỹ sẽ có nhiều hành động và biện pháp cứng rắn trong thời gian tới"


Tiếp đó, Washington gần đây cũng thông báo, nước này đang lên kế hoạch để đưa tàu chiến và máy bay do thám vào khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

Điều này cho thấy Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục, chuyển sự quan tâm từ Trung Âu, Trung Đông sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Những động thái mạnh mẽ này thể hiện Mỹ là một nước lớn có trách nhiệm đối với các vấn đề của khu vực và thế giới.

Đồng thời, Mỹ cũng đang muốn lên tiếng cảnh báo Trung Quốc, không nên ỉ thế là nước lớn để uy hiếp,” bắt nạt” các nước láng giềng, độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành "ao nhà" của mình.

Trong bối cảnh Trung Quốc mưu toan độc chiếm Biển đông, sự xuất hiện vai trò của Mỹ - cường quốc số 1 thế giới là một yếu tố đáng chú ý. Vậy theo ông, Mỹ sẽ làm gì để răn đe Trung Quốc?

Theo tôi, chắc chắn Mỹ sẽ có nhiều hành động và biện pháp cứng rắn trong thời gian tới. Ngay trong hội nghị Shangri-la vừa qua, các quan chức của Mỹ đã phát biểu rất rõ ràng khẳng định lập trường của Mỹ là sẽ không làm ngơ trước sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trên thực tế, Mỹ đã và đang dùng các lực lượng của mình, cụ thể là máy bay trinh sát, tàu chiến và các lực lượng khác để áp sát các khu vực biển đảo mà Trung quốc đang tôn tạo, xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Tôi nghĩ rằng trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, tất nhiên, Mỹ cũng đang thận trọng và mong muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình nhưng nếu Trung Quốc vẫn cố tình lấn tới, ngang nhiên bành trướng và chủ động gây xung đột thì chắc chắn Mỹ sẽ không chùn bước mà sẽ sử dụng biện pháp mạnh nhất.

Những động thái của Mỹ trong thời gian qua cho thấy, Washington không thể ngồi yên khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông có cho rằng điều này là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung đang thực sự bước vào “điểm giới hạn”?

Quan hệ Mỹ - Trung là vấn đề toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc vươn lên thành cường quốc kinh tế đứng sau Mỹ. Có thể nói, Trung Quốc hiện nay tuy chưa là siêu cường nhưng có thực lực kinh tế và quân sự đáng kể trên thế giới. Mỹ cũng từng nói là cơ chế của họ đối với Trung Quốc là hợp tác và đấu tranh.

Hoạt động cải tạo bãi đá của Trung Quốc tại Biển Đông
Hoạt động cải tạo bãi đá của Trung Quốc tại Biển Đông

Trong một số vấn đề hai nước hợp tác với nhau, họ cần nhau cả về kinh tế, chính trị nhưng về mặt lợi ích thì hai bên luôn đấu tranh và kiềm chế lẫn nhau: Mỹ kiềm chế Trung Quốc và Trung Quốc cũng kiềm chế Mỹ.

Mỹ đang thận trọng và gây áp lực với Trung Quốc theo từng bước nhỏ, bởi mối quan hệ Bắc Kinh – Washington rất nhạy cảm. Những phản ứng quá mức ngay lập tức đối với Trung Quốc có thể chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu chính sách của Trung Quốc đe dọa các nước đồng minh của Mỹ hay đe dọa các nước nhỏ, bạn bè của Mỹ thì họ phải tiến hành bênh vực và can thiệp.

Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu đối đầu với Mỹ

Việc Bắc Kinh phô diễn những vũ khí tối tân tại đảo Hải Nam và chuyển vũ khí tới quần đảo Trường Sa là một nước cờ chính trị hay là họ đang chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu?

Thực tế, từ trước đến nay Trung Quốc luôn thể hiện tham vọng bành trướng và bá quyền đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc có đường biên giới với hơn 20 nước nhưng hầu như với bất cứ nước nào Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ. Điều này thể hiện, họ là một nước lớn tham lam.

Nếu một kịch bản đối đầu xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc thì đây không còn là vấn đề trong khu vực mà là vấn đề toàn cầu. Trong kịch bản đối đầu này chắc chắn Trung Quốc ở thế cô lập chứ không phải thế mạnh.

Hiện nay, Mỹ là siêu cường số 1, chưa có nước nào có đủ sức mạnh về kinh tế, văn hóa để vượt qua được Mỹ. Mỹ cũng đang thể hiện vai trò một nước lớn có trách nhiệm, ngoài việc đứng ra bảo vệ các nước đồng minh của mình như: Nhật Bản, Philipines thì Mỹ cũng không hề thờ ơ trước các vấn đề an ninh trong khu vực và thế giới.

Hầu hết các nước ở Đông Nam Á đều mong muốn sự có mặt của Mỹ để cân bằng quyền lực, ít nhất cũng để răn đe Trung Quốc không có những động thái bắt nạt các nước láng giềng. Đặc biệt với sự bành trướng, đe dọa hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay thì quan hệ hợp tác chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh cũng như với các nước khác trong khu vực sẽ ngày càng chặt chẽ hơn.

Trung Quốc không có căn cứ quân sự nào ở gần Mỹ, trong khi đó Mỹ có một hệ thống, chuỗi xích bao vây Trung Quốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, New Zeland, Ấn độ… Nếu xảy ra cuộc đối đầu thì chắc chắn Trung Quốc sẽ ở thế bị bao vây và gần như là nắm chắc phần thua.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, theo ông Việt Nam cần có một sách lược thế nào cho phù hợp?

Chính sách quốc phòng của Việt Nam xưa nay mang tính chất hòa bình, tự vệ thể hiện ở chủ trương “ba không”: Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống lại nước kia.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta ngoài việc cảnh giác với Trung Quốc, cần phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, các biện pháp để đấu tranh với Trung Quốc, bao gồm trên bàn đàm phán, tiếp xúc song phương cấp cao hay trên thực địa.

Nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới thì chúng ta phải có biện pháp cương quyết. Lịch sử đã chứng minh nhiều bài học: Trong lịch sử gần 30Ȱ0 năm của dân tộc Việt Nam, các triều đại phong kiến Trung Quốcđã tiến hành 20 cuộc xâm lược quy mô lớn đối với Việt Nam, bình quân 150 năm một cuộc xâm lược.

Nhưng chỉ riêng từ năm 1949 đến nay, họ đã thực hiện 4 lần việc xâm lấn nước ta (năm 1956 xâm lược nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 xâm lược phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa, năm 1979 xâm lược 6 tỉnh phía Bắc nước ta, năm 1988 xâm lược quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Việt Nam cần dứt khoát và mạnh mẽ.

Chúng ta cần phải tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực, của ASEAN và các nước Tây Âu đặc biệt là sự ủng hộ của Mỹ. Tất nhiên chúng ta không ngả theo nước nào để chống lại nước nào, chúng ta có chính sách độc lập, tự chủ trong quân sự.

Tôi hi vọng rằng Việt Nam và Mỹ sẽ trở thành đối tác phát triển toàn diện, điều đó có lợi cho cả hai bên. Hai bên tuân thủ luật pháp quốc tế, có tiếng nói chung trong các vấn đề toàn cầu, khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, cũng như văn hóa của từng đất nước.

Đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, hai bên cùng hợp tác để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải và không để cho bất cứ nước nào độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành sân sau của họ.

Hà Trang

Bài 2: Tham vọng bành trướng và sự cô độc tất yếu của Trung Quốc