1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thẩm phán Tối cao Philippines gọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "tin giả thế kỷ"

(Dân trí) - Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng các yêu sách "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông là "tin giả của thế kỷ 20".

Thẩm phán Tối cao Philippines gọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là tin giả thế kỷ - Ảnh 1.

Bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc hiện đang kiểm soát (Ảnh: Reuters)

Kêu gọi xét lại hiệp ước quốc phòng với Mỹ

SCMP đưa tin, ông Antonio Carpio đưa ra các bình luận trên trong bài phát biểu tại Hiệp hội các nhà báo nước ngoài ở thủ đô Manila ngày 17/1, trong đó vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông được đề cập.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng Philippines nên xem lại hiệp ước quốc phòng với Washington để làm rõ khi nào Mỹ sẽ trợ giúp Manila, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông là thách thức an ninh khó khăn nhất với Philippines.

Ông Lorenzana, một cựu tùy viên quân sự tại Washington, đã ông vạch ra các thách thức an ninh nội địa và bên ngoài mà quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt. Ông Lorenzana dành phần lớn bài phát biểu để nói với mối đe dọa từ các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông.

"Hãy xem xét vấn đề này với bối cảnh môi trường khu vực đang thay đổi nhanh chóng, nơi sự đối đầu địa chính trị Mỹ - Trung đang gia tăng và cuộc xung đột tiềm tàng ở Eo biển Đài Loan đang lộ diện", ông nói.

Trước đó, các nghị sĩ ngày 16/1 đã hỏi ông Lorenzana tại thượng viện rằng liệu Trung Quốc có tấn công Đài Loan hay không, ông đáp rằng điều này khó có khả năng xảy ra. "Trong trường hợp Trung Quốc tấn công, vốn rất ít khó khả năng xảy ra, chúng ta chỉ có thể quan sát", ông nói.

Trong bối cảnh các căng thẳng trên, Manila đã kêu gọi xem xét lại Hiệp ước Quốc phòng Chung (MDT) với Washington.

"Tôi tin rằng đã đến lúc phải ngồi lại với những người đồng cấp Mỹ và xem xét lại các điều khoản của liên minh. Chúng ta đều là đối tác và có quan hệ lịch sử sâu sắc. Chúng ta phải xác định rõ các vai trò và trách nhiệm khi nhu cầu về việc cùng sử dụng vũ khí tăng lên", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói.

Ông Lorenzana đã nhắc tới một trong những lĩnh vực mà ông muốn làm rõ là trường hợp có thể dẫn tới sự hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, ông đặt câu hỏi rằng liệu Philippines có tham gia nếu xung đột vũ trang xảy ra ở giữa Mỹ và Trung Quốc "xảy ra đâu đó trên đá Vành Khăn".

Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, là một thực thể trên biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Philippines, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với thực thể này. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã ngang nhiên tăng cường đòi hỏi chủ quyền bằng việc bồi đắp một đảo nhân tạo lớn với một sân bay và đường băng.

Ông Lorenzana nhấn mạnh rằng, theo các điều khoản của MDT hiện thời, Mỹ chỉ trợ giúp nếu đất liền Philippines bị tấn công.

Philippines và Trung Quốc đã có cuộc đối đầu nguy hiểm vào năm 2012 kéo dài nhiều tháng vì bãi cạn Scarborough ở Biển Đông mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Vào năm 2013, Manila đã khởi động một thách thức pháp lý nhằm chống lại các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan và tòa này đã các bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh vào năm 2016 là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm đó, ông đã đặt phán quyết sang một bên.

Ông Lorenzana cho hay Philippines vẫn xem phán quyết của tòa là hợp pháp và có hiệu lực. "Chúng tôi không và sẽ không để mất bất kỳ phần lãnh thổ nào", ông nói.

"Tin giả thế kỷ"

Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio, người phát biểu sau Bộ trưởng Quốc phòng, đã chỉ ra các bản đồ lịch sử do chính Trung Quốc sản xuất mà ông nói là cho thấy quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough chưa từng thuộc Trung Quốc cổ đại. Trong khi đó, Trung Quốc lại tuyên bố các quyền lịch sử đối với toàn bộ khu vực này.

Ông Carpio cho biết, thách thức đối với người Philippines là "làm thế nào để thuyết phục người Trung Quốc rằng câu chuyện lịch sử này là tin giả của thế kỷ".

"Ý định của Trung Quốc rất rõ. Họ muốn kiểm soát Biển Tây Philippines (Biển Đông). Chúng ta cần luôn luôn nhớ điều đó. Ý định của họ ngay từ đầu là chiếm 80% vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Họ có thể giảm tốc độ trong một khoảng thời gian nhất định nhưng họ sẽ tiếp tục hành động tiến tới mục tiêu đó".

Ông Carpio cho rằng "chúng ta nên phản đối bất kể khi nào" các ngư dân Philippines bị ngăn cản đánh bắt một cách tự do.

"Có nhiều cách để tăng cường vị thế của chúng ta… Nếu chúng ta không phản đối bằng lời nói và việc làm thì chúng ta sẽ từ bỏ chủ quyền lãnh thổ", ông Carpio nói.

An Bình

Theo SCMP