1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines lo ngại ý định của Trung Quốc mua nhà máy trong quân cảng cũ của Mỹ

(Dân trí) - Trong bối cảnh giới chức Philippines bày tỏ quan ngại việc các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách thâu tóm nhà máy đóng tàu nằm trong quân cảng cũ của Mỹ ở vịnh Subic, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng, chính phủ nước này nên giữ quyền kiểm soát nhà máy đó.

Philippines lo ngại ý định của Trung Quốc mua nhà máy trong quân cảng cũ của Mỹ - Ảnh 1.

Giới chức Philippines lo ngại việc thâu tóm khu đất nhà máy Hanjin có thể trao cơ hội cho Trung Quốc mở rộng hiện diện ở vịnh Subic. (Ảnh minh họa: Vesselfinder)

Theo New York Times, trong số các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách thâu tóm nhà máy đóng tàu Hanjin lớn nhất của Philippines, có hai doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó gồm một doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, giới chức Philippines lo ngại việc tiếp quản nhà máy này có thể tạo cơ hội để Trung Quốc có được sự hiện diện chiến lược ở đây.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, ông đã bày tỏ lo ngại này trong một cuộc họp hôm 16/1 với Tổng thống Rodrigo Duterte, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr và một số lãnh đạo khác.

"Hải quân Philippines gợi ý rằng, tại sao chính phủ Philippines không tiếp quản (nhà máy Hanjin) để chúng tôi có thể đặt một căn cứ hải quân ở đây. Chúng tôi cũng có thể nâng cao nâng lực đóng tàu", Bộ trưởng Lorenzana cho biết với các phóng viên nước ngoài hôm qua.

Ông Lorenzana cho rằng, khu vực nhà máy Hanjin có thể giúp Philippines tăng cường lực lượng hải quân trong bối cảnh Hải quân Philippines dự kiến mua thêm 20 tàu trong 10 năm tới, trong khi Lực lượng tuần duyên và Cơ quan Ngư nghiệp cũng đang có các đơn đặt hàng đóng tàu.

Theo lời ông Lorenzana, khu đất của nhà máy Hanjin thuộc sở hữu của chính phủ Philippines nhưng đã cho một doanh nghiệp Hàn Quốc thuê để xây dựng nhà máy. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến khu đất này, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Lorenzana đồng tình với đề xuất của một thượng nghị sĩ Philippines rằng chính phủ nước này nên "lập tức tiếp quản toàn bộ khu đất này".

"Người hàng xóm Trung Quốc đã chiếm đóng và quân sự hóa nhiều thực thể gần bờ biển của chúng ta. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Philippines tiếp tục coi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế là hợp pháp. Chúng tôi đã, đang và sẽ không từ bỏ bất cứ một tấc lãnh thổ nào", ông Lorenzana nói.

Hiện chưa rõ quan điểm của Tổng thống Duterte về vấn đề tiếp quản khu đất nhà máy đóng tàu Hanjin.

Nhà máy đóng tàu Hanjin nằm ở vịnh Subic, cách Manila khoảng 80km về phía tây bắc. Đây từng là nơi đặt một căn cứ hải quân của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Thẩm phán tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio là một trong những quan chức công khai phản đối trao cơ hội cho Trung Quốc mở rộng hiện diện ở vịnh Subic.

Minh Phương

Theo NYTimes